- Theo quyết định 815 của Bộ GD-ĐT thì sinh viên tuyển chọn đi học ĐH ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322) năm 2011 học tại các nước Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Ca-na-đa, Đức...Nay vì lý do "tuyển vượt chỉ tiêu - năm 2011 Bộ đã gửi tăng số lượng thạc sĩ nên dính vào phần tiền của 322 nên Bộ giải quyết cho ứng viên đi học tại Maroc, Srilanka, CuBa...". Phương án xử lí của Bộ đã không nhận được đồng tình của ứng viên.
Tại buổi đối thoại trưa 21/5, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang đã thông báo thêm phương án thứ 3 - nếu không đi học các nước nói trên ứng viên sẽ phải chờ đề án mới tiếp nối 322 để học đúng nguyện vọng.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Đoạn kết buồn của đề án 322
Dừng giải quyết thủ tục cho ứng viên học bổng 322
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Ngoài những hứa hẹn "chúng tôi sẽ và cố gắng hết sức..." thì một số băn khoăn của người nhà các ứng viên trúng học bổng 322 đều được Cục trưởng Vang khóe léo bỏ qua và "đá bóng" về phía Chính phủ. Ứng viên chỉ còn cách ngậm ngùi ra về để rồi đau đáu sắp đến 1/6 rồi, đi Maroc hay...?
Quyết định thông báo trúng tuyển do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký ngày 28/2/2011 |
Cho rằng, lý do ông Nguyễn Xuân Vang đưa ra dẫn đến việc dừng giải quyết thủ tục du học cho ứng viên trúng tuyển học bổng 322 vì Bộ đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với kế hoạch là không hợp lí.
Một phụ huynh đặt vấn đề, 322 là một đề án được nghiên cứu kỹ và Bộ GD-ĐT được giao hướng dẫn lập hồ sơ, chỉ tiêu khớp với kinh phí nhà nước giao. Vậy tại sao lại có thể tuyển vượt 598 người? Số tuyển vượt đều là tiến sĩ thì tại sao lại ảnh hưởng đến việc đi học ĐH của các ứng viên?
Những chất vấn xoay quanh việc tuyển vượt 598 chỉ tiêu là do Bộ đã xé rào? Tuy nhiên, ông Vang không trả lời thẳng vào những câu hỏi mà chỉ trả lời chung chung: "Chúng tôi đã trả tiền cho các cơ sở đào tạo ngoại ngữ để các em đi học nên không muốn gặp sự cố này. Bộ đang rất tích cực gửi đề nghị lên Chính phủ, thuyết phục đồng ý phương án giải quyết của Cục để đảm bảo quyền lợi cho ứng viên. Nếu các em muốn đi ngay năm 2012 thì Bộ đã có chương trình, chỉ việc chuyển sang. Còn không thì phải chờ đề án khác nối tiếp 322".
Còn câu hỏi "phải chờ đến khi nào?" Cục trưởng cũng không đưa ra hạn cụ thể vì quyết định phụ thuộc vào Chính phủ.
Hy vọng mong manh
Theo công văn số 2282/VPCP-KGVX về việc triển khai Đề án 911 và Đề án 356 (322) do phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ ký ngày 0\6/4/2012 gửi Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân như sau:
Chuyển 598 giảng viên ĐH, CĐ đã tuyển đào tạo tiến sĩ trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 2 năm 2012 theo Đề án 356 (322) sang chỉ tiêu Đề án 911. Đề án 356 hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ bảo đảm kinh phí, theo dõi học tập số sinh viên đã tuyển theo chỉ tiêu (2.000 người) trong thời gian từ năm 2012 đến khi học xong.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cấp kinh phí theo chế độ của Đề án 356 cho 598 người đã tuyển đào tạo tiến sĩ và chuyển sang Đề án 911 để bảo đảm học tập trong năm 2012.
Còn theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang, Bộ đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2011 và tháng 3/2012 xin chuyển toàn bộ giảng viên đi học tiến sĩ theo đề án 322 trong hai năm 2010 và 2011 là 1061 người chuyển sang Đề án 911, để đề án 322 còn chỉ tiêu cho số ứng viên đã trúng tuyển 2010 và 2011 đi học năm 2012.
Chính phủ chỉ cho chuyển số dư ra so với đề án 322 là 598 sang đề án 911. Như vậy đề án 322 hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh và Bộ GD-ĐT xây đề án mới trình Chính phủ thay thế đề án 322, hiện đã xây dựng hòm hòm tháng 6 này trình lên trong đó có đối tượng tương tự như 322.
"Nếu Chính phủ phê duyệt sớm thì ứng viên sẽ được đi học đúng nguyện vọng: đúng ngành học và nước đã đăng ký" - lời ông Vang.
Đi Maroc, Srilanka, CuBa...ở nhà còn hơn?
Đó là phương án cuối cùng được tập thể ứng viên 322 đưa ra nếu Bộ GD-ĐT không giải quyết cho đi học đúng nguyện vọng, đúng thời hạn - tháng 9/2012. Đồng nghĩa với việc là mất niềm tin vào quyết sách "phát triển tài năng trẻ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ đất nước".
Thông báo của Bộ về 2 phương án xử lý đối với ứng viên trúng tuyển đang được cho là không hợp lí? |
Một ứng viên trúng tuyển đi học ĐH tại Pháp tỏ rõ bức xúc: "Từ chỗ trúng tuyển đi học ở Pháp, vì lý do tuyển vượt Bộ GD-ĐT yêu cầu đăng ký lại nước đi học đã không hợp lí. Bất khả thi hơn là những nước cho đăng kí lại là Maroc, Srilanka, CuBa...thì chúng em sẽ học như thế nào? Những nước này có phải là những nước tiên tiến để Việt Nam cử nhân tài đi học hỏi kinh nghiệm về phục vụ đất nước?"
Việc thay đổi nguyện vọng đột ngột đã khiến tập thể ứng viên 322 hoang mang. Theo Cục trưởng Vang "việc tất cả chúng em có thể làm bây giờ là tiếp tục chờ Chính phủ phê duyệt Đề án mới...". Trong khi đó, thời hạn nhập học ở các cơ sở đào tạo ở nước ngoài chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa mà tương lai chúng em chưa biết đi về đâu?
Trao đổi với VietNamNet sáng 22/5, một số ứng viên 322 của Trường ĐH Ngoại thương nghẹn ngào: "Nếu Bộ không xử lí được cho chúng em đi học đúng hạn (tháng 9 này) thì chúng em sẽ phải trở về Ngoại thương chứ không học ở Maroc...Điều này xảy ra em rất xấu hổ với bạn bè, họ hàng - vì ai cũng nghĩ em sắp đi du học."
Dù Bộ GD-ĐT đang nỗ lực giải quyết quyền lợi cho các ứng viên, nhưng những gì thể hiện trên văn bản các ứng viên nhận được cho thấy một điều: Cách làm của Bộ GD-ĐT có vấn đề?
- Nguyễn Hiền