- Với đồng lương giáo viên chưa đến 3 triệu một tháng. Hai vợ chồng một cô giáo trẻ vẫn tiêu đủ, thậm chí là con dư tiền để tiết kiệm khi sinh sống tại một thị trấn.
“Khéo ăn thì no khéo co thì ấm”
Chia sẻ của một cô giáo nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều chị em phụ nữ. Nguyên văn đoạn chia sẻ: “Lương giáo viên của em tháng này được 2 triệu 7 trăm nghìn, trừ đi 150 nghìn mua tặng bộ đồng phục cho em học sinh nghèo trong lớp em chủ nhiệm. Nhà em 2 vợ chồng mới cưới nên lấy lương về là em chia ra các khoản rồi cột lại và dư được thế này. Đúng là có nhiều tiêu nhiều, có ít cũng đủ mấy mẹ ạ”.
Nhiều bà nội trợ là “tay hòm chìa khóa” của gia đình “phục sát đất” cách chi tiêu của nàng dâu mới này. Hàng trăm bình luận sau lượt chia sẻ đã nói lên điều ấy.
Chia sẻ của Huệ đã khiến nhiều chị em "phục sát đất" |
Trò chuyện với VietNamNet, Nguyễn Thị Huệ (22 tuổi, quê Nam Định) chủ nhân đoạn chia sẻ cho biết, chị đang là giáo viên dạy văn một trường THCS ở Thị trấn Tân Hưng, Long An.
Chị Huệ và chồng là anh Trương Văn Quyền (22 tuổi, Thanh Hóa) kết hôn từ tháng 7/2015. Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng rời Hà Nội vào Long An lập nghiệp. Anh Quyền làm nghề lái xe do mới vào nên chưa có việc làm. Hai vợ chồng đang tạm chi tiêu bằng lương chị giáo viên của chị Huệ nhưng cô giáo trẻ lại chia sẻ: “Bọn em khéo vun vén một chút nên vẫn có tiền dư”.
Theo chị Huệ, lương hiện tại của chị là 3 triệu 2 trăm nghìn sau khi trừ các khoản còn lại là 2 triệu 9 trăm nghìn. Sau khi nhận lương, chị đem số tiền trên chia thành các nhóm và cột lại. ở mỗi cọc tiền chị quy định rõ ràng: Tiền đi chợ, điện thoại, Internet, gạo, xăng xe…
Với tiền đi chợ hằng ngày chị tính trung bình 40 nghìn x 35 ngày (phòng trường hợp những hôm nhà có khách đến chơi). Để tránh việc “vung tay quá trán”, chị đổi sang tiền lẻ rồi cầm đúng số tiền quy định đi chợ. “Ban đầu mới vào đây mỗi ngày em đi chợ hết 200 nghìn, em hoảng luôn. Nay với 40 nghìn em đi chợ không khó khăn lắm vì trước khi đi em ở nhà suy nghĩ sẽ mua những gì và bao nhiêu tiền như thế sẽ tránh mua linh tinh không kiểm soát khi ra đến chợ”.
Trong số tiền còn lại, chị Huệ sẽ chi tiền internet 155 nghìn; tiền gạo 140 nghìn; tiền mắm muối, bộ giặt, giấy vệ sinh 100 nghìn; hương, hoa quả thắp hương 150 nghìn; xăng xe 300 nghìn; thẻ điện thoại 2 vợ chồng 90 nghìn; điện nước 200 nghìn; 1 thùng mì tôm 92 nghìn; 1 thùng sữa 123 nghìn.
Huệ tính toán rất cẩn thận. Người vợ trẻ chia sẻ: “Mắm muối tháng nào vẫn còn, chưa phải mua em vẫn để mục “tiền mắm muối…”đó không tiêu đến. Em thường mua đồ khuyến mãi như mua sản phẩm được tặng thìa, bát, thau chậu…như vậy đỡ thêm khoản nữa mà nhà có đồ mới và em thường mua gói to để tiết kiệm hơn”.
Huệ nói tiếp: “Cơm thừa sau mỗi bữa ăn em hấp lại hoặc rang lên làm cơm ăn sáng. Sáng chồng em thích ăn mì tôm nên thùng mì là của chồng. Ngoài ra, trước khi đi dạy buổi sáng em uống thêm 1 gói sữa để lấy sức”.
Cô giáo này cũng nhấn mạnh, lúc ốm đau chị có bảo hiểm nên xin thuốc và khám bệnh viện không mất tiền. Nếu bạn bè rủ đi chơi, 2 vợ chồng chị cũng chọn lựa chỗ để quyết định có nên đi hay không.
“Từ nhỏ em đã rất tự lập…”
Huệ nói, từ nhỏ gia đình chị khá khó khăn khi bố mẹ ly hôn khi chị vừa được 1 tuổi. Một mình mẹ bươn chải nuôi Huệ ăn học nên chị rất tự lập.
Nhà nghèo nên từ lớp 3, chị đã biết làm việc nhà như nấu cám cho lợn, nấu cơm, rửa bát… Ngày bé chị lười học trốn học nhưng lên lớp 11 ý thức được sự vất vả của mẹ, Nguyễn Thị Huệ đã cố gắng học tập. Sau khi lên thành phố học cao đẳng sư phạm, cuộc sống của hai mẹ con càng vất vả hơn.
"Chồng rất chia sẻ việc nhà và ủng hộ việc sắp xếp chi tiêu trong gia đình của em", chị Huệ cho biết |
“Một tháng mẹ chỉ cấp được cho em 1,5 triệu nên em phải chi tiêu thật khéo léo để đủ tiền ăn, học vì thiếu mẹ cũng không thể cho thêm. Có lẽ vì thế mà giờ dù đồng lương eo hẹp em vẫn không gặp khó trong việc chi tiêu”, Huệ nói.
Ngoài việc chi tiêu khéo léo để đủ với mức lương hiện tại, cô giáo trẻ cùng chồng đang ấp ủ kế hoạch kinh doanh riêng. Huệ cho biết, 2 vợ chồng đang vay 25 triệu để sang tháng 11/2015 mở quán ăn.
“Ở thị trấn em ở chưa có các món ăn vặt như sữa chua mít, nước sấu, ô mai …như ở Hà Nội nên em muốn đưa những món này trở thành món tủ và độc của quán để thu hút khách. Xung quanh nhà em ở có nhiều dãy nhà trọ của nhiều học sinh cấp 3 ra thị trấn học. Em tin là mình sẽ có một lượng khách ổn định”.
Cô giáo trẻ cũng khẳng định: “Em phải tính nước kinh doanh thêm vì với số lương hiện tại chúng em chỉ đủ chi tiêu chứ sau có con cái thì sẽ rất tốn kém”.
Trong số lương khiêm tốn của mình, Huệ trích 1 khoản nhỏ mua đồng phục cho một em học trò nghèo. “Em là học sinh trong lớp em chủ nhiệm. Bố em ấy vừa mất. Gia đình em thường xuyên phải ăn cơm với muối ớt nên em mua tặng 1 bộ đồng phục và đóng thêm 50 nghìn quỹ lớp cho em”, cô giáo Huệ cho biết.
Huệ chia sẻ bí quyết tiết kiệm thời bão giá “Em nghĩ nên chia ra các khoản cần chi cho tháng và bỏ riêng ra. Đi chợ chúng ta có thể mang theo đủ số tiền cần cho ngày hôm đó, còn đi chơi hay mua sắm chúng ta nên mang vừa đủ số tiền mà mình muốn mua tránh mua linh tinh mà về không dùng tới. Nên mở 1 sổ tiết kiệm dài hạn như thế chúng ta sẽ có ý thức tiết kiệm tiền hàng tháng. Chuyện mua sắm quần áo, Huệ cũng không chạy theo thời trang. Vào cuối đông hoặc cuối hè, Huệ chọn thời điểm các shop xả hàng để mua sắm. Cũng theo cô giáo trẻ, gia đình muốn đi du lịch thì nên “ngược đời” một chút. Lúc người ta đi chơi thì mình ở nhà còn lúc người ta đi làm thì mình tranh thủ đi du lịch sẽ tránh được tình trạng tắc đường, chờ đợi, chặt chém gây tốn kém, mệt mỏi. |
Ngọc Trang