Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK cho thấy TV màn hình lớn đang tăng trưởng mạnh những năm gần đây, dự báo có thể chiếm đến gần nửa thị trường TV nói chung trong năm 2020.
TV màn hình lớn liên tục tăng trưởng trong vài năm gần đây. Trong ảnh: khách và nhân viên một siêu thị điện máy theo dõi một trận bóng đá của tuyển Việt Nam năm ngoái. (Ảnh: Hải Đăng) |
Liên tục tăng gần 30% hàng năm, đến 9 tháng đầu năm nay số lượng TV kích thước từ 55 inch đã chiếm 44% tổng TV bán ra toàn thị trường. Đến cuối năm, lượng TV màn hình lớn có thể chiếm gần nửa số TV được tiêu thụ.Theo số liệu, năm 2020 số TV có kích thuớc màn hình từ 55 inch trở lên có thể bán được 919,3 ngàn chiếc, tăng so với mức 713 ngàn chiếc năm 2019, và chênh lệch lớn so với năm 2017 (243,8 ngàn chiếc).
Số liệu cho thấy lần đầu tiên TV kích thước 50-59 inch đạt mốc 30%, trở thành phân khúc chiếm số lượng lớn nhất được mua trong năm nay, vượt qua các kích thước màn hình phổ biến từ năm ngoái là 43-45 inch, 46-50 inch.
“Người dùng có xu hướng thích mua TV màn hình lớn để trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra, giá TV vài năm gần đây đã giảm so với trước cũng khiến khách hàng chịu bỏ tiền hơn”, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh - trả lời ICTnews.
Đồng tình quan điểm này, đại diện một hãng TV trong top 3 thị trường cho biết nhu cầu khách hàng tăng lên khiến nhiều hãng tập trung vào phân khúc này, đưa ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn, giá dễ tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó, nhu cầu của người dùng khi mua TV mới luôn luôn muốn nâng cấp kích thước lớn hơn so với TV cũ. Đặc biệt ở 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng mặc dù tỷ lệ sở hữu TV đã vượt hơn 100% nhưng nhu cầu vẫn cao. Những người muốn trang bị chiếc TV thứ 2, thứ 3 cho các phòng khác nhau trong nhà thường chọn TV màn hình lớn hơn.
Mặc dù TV màn hình lớn đang phổ biến, nhưng đại diện Samsung cho biết thực tế TV màn hình phẳng chỉ chiếm khoảng 70-80% hộ gia đình tại Việt Nam. Nhiều gia đình ở các miền quê vẫn sử dụng TV màn hình CRT. Do đó tiềm năng cho thị trường TV màn hình phẳng, TV màn hình lớn còn rất rộng.
Theo số liệu của GfK, Samsung, Sony, LG tiếp tục là 3 tên tuổi lớn nhất, chiếm gần 90% giá trị thị trường TV nói chung, và hơn 90% ở phân khúc TV cao cấp (màn hình UHD).
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2020, xét về giá trị, Samsung dẫn đầu với mức 44,7% thị phần, Sony xếp thứ hai với 25,9%, LG giữ vị trí thứ 3 được 17,6%. Năm ngoái, bộ ba này lần lượt đạt được thị phần 43%, 29,2%, 17,6%.
Ở phân khúc cao cấp - TV màn hình UHD - ba đại diện trên cũng nắm các vị trí dẫn đầu theo thứ tự tương tự.
Để mở rộng thị phần, các hãng nói trên đều chạy đua ra mắt sản phẩm cao cấp, duy trì sản phẩm chiến lược ở phân khúc cấp trung, đồng thời tung ra các dòng TV khác biệt.
Chẳng hạn, cả 3 hãng trong top đều đã có TV 8K trên thị trường mặc dù dòng này mới chỉ phát triển năm ngoái. Các dòng TV 8K có đủ mức giá từ hơn 40 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng, phổ biến nhất là tầm trên dưới 100 triệu đồng.
Trong khi TV 8K để đón đầu công nghệ thì dòng TV 4K hiện nay mới là con át chủ bài mang đến thị phần và doanh thu đều đặn cho các hãng. Ở phân khúc này, cả Samsung, Sony, LG đều có nhiều đại diện. Với mức giá từ hơn 7 triệu đồng, khách hàng có thể mua được TV 43 inch 4K của các tên tuổi trong top 3. Lên khoảng 10 triệu đồng, kích thước màn hình được nâng lên 50 inch. Từ mức xấp xỉ 20 triệu đồng, người dùng có rất nhiều lựa chọn khác nhau.
Bên cạnh hai dòng TV nói trên, Samsung và LG cũng đua ra mắt các dòng TV phong cách hơn. Chẳng hạn LG có mẫu Signature W7 siêu mỏng giá 670 triệu đồng. Trong khi đó Samsung tập trung các dòng như TV Khung tranh, TV chống bụi nước đặt ngoài trời, dòng Sero, Serif.
Mặc dù có tăng trưởng ở phân khúc màn hình lớn nhưng Covid-19 ảnh hưởng kinh tế, cộng với nhiều giải đấu thể thao, chương trình giải trí bị huỷ khiến nhu cầu mua TV nói chung được dự báo sẽ giảm trong năm nay.
Hải Đăng
TV 8K tại Việt Nam: Giá cao nhất hơn 2 tỷ đồng
TV 8K kích thước nhỏ nhất 55 inch có giá hơn 40 triệu đồng, trong khi màn hình 98 inch có giá lên hơn 2 tỷ đồng.