Anh Diệp Kỉnh Tân, tỷ phú, chủ trang trại hàng trăm con bò sữa ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), kể về giấc mơ làm giàu để thoát khỏi "ao làng".

“Mỗi chú bò được gắn thẻ đeo, khi công nhân phát hiện bệnh sẽ báo mã số cho thú y xử lý dễ dàng hơn. Ngoài ra, thẻ còn cho biết nguồn gốc, ngày sinh của mỗi con để tiện theo dõi”, anh Diệp Kỉnh Tân, chủ trang trại bò sữa ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) giới thiệu về trang trại của mình.

Công nghệ hiện đại

Trưa giữa tháng 4, chúng tôi đến tham quan trang trại rộng 5 ha nuôi gần 200 con bò sữa. “Vừa vắt sữa lúc sáng và cho ăn xong, bây giờ đang tắm rửa sạch sẽ cho bò”, anh Tân nói. Anh cho biết, trung bình mỗi ngày một cô bò cho gần 19 kg sữa, bán với giá trung bình 12.500 đồng/kg. Hiện tại, trang trại gần 200 con thì có 120 con cho sữa mỗi ngày gần 2,5 tấn, được công ty Vinamilk bao tiêu.

{keywords}

Anh Diệp Kỉnh Tân đứng cạnh đàn bò sữa của mình.

Trang trại được đầu tư thiết bị tự động hóa như: máy cào phân, máy lọc không khí, máy vắt sữa và ống chuyền sữa sẽ tự động truyền trực tiếp vào bình chứa bảo quản lạnh. Còn nguồn thức ăn, anh Tân đầu tư 7 ha đất trồng cỏ nhập từ nước ngoài và một số loại nội địa. Đồng thời, có gắn hệ thống phun tưới tự động để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. “Sắp tới, tôi sẽ gắn thêm vòng đeo cổ cho bò để giám sát thông qua máy tính. Nếu bò bệnh máy báo để điều trị kịp thời”, anh Tân bộc bạch.

Năm 1998, anh Tân tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, sau đó đi làm bên ngoài một năm. Trong thời gian này, anh có điều kiện đi nhiều nơi, đến các trang trại chăn nuôi ở khắp các vùng miền cả nước. Năm sau, anh quyết định về nhà tự mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi. Làm được dăm năm, anh nhận ra một điều là nông dân nuôi không kiểm soát dịch bệnh, an toàn sinh học, tỷ lệ thất thoát thức ăn cao và người nuôi kỹ thuật chuyên môn còn hạn chế dẫn đến thua lỗ.

Từ đó, anh nảy ra ý tưởng sẽ đầu tư xây trang trại nuôi bò sữa theo công nghệ Hà Lan để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. “Tôi muốn tiên phong làm trước, nếu thành công để người dân học tập, còn trường hợp không hiệu quả cũng sẽ đóng góp cho ngành chăn nuôi rút kinh nghiệm”, anh Tân chia sẻ.

Ngoài ra, anh cũng đã đi nhiều nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Đức tham quan các trang trại nuôi bò, heo để học tập kinh nghiệm. Năm 2014, anh đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng trang trại với gần 200 con bò sữa đều nhập từ Hà Lan về. Để tận dụng nguồn phụ phẩm, anh cho biết, vào mùa nắng thì phân bò được lấy ra phơi khô bán cho người dân trồng cây, còn vào mùa mưa đưa vào hố ủ, dùng men vi sinh để xử lý rồi làm phân bón ruộng cỏ.

Nói về tính liên kết giữa các nông dân trong chăn nuôi, anh Tân cho rằng, sự liên kết giữa các nông hộ hay HTX chăn nuôi ở nước ta và các nước khác có sự khác biệt lớn chính là sự tương đồng và tính minh bạch. Anh dẫn chứng, người nuôi 80 con bò, mỗi ngày cho 20 kg sữa/con, còn hộ khác cũng ngần ấy con nhưng ngày cho 30 kg sữa. Hai hộ này liên kết với nhau để học hỏi làm sao cho năng suất sữa nâng lên. Ngoài ra, cách quản lý của họ minh bạch sẽ làm cho các bên có niềm tin để cùng nhau phát triển, xây dựng thương hiệu.

Vươn ra thế giới

Anh Diệp Kỉnh Tân cho biết, hiện tại đang mở thêm trại heo giống trên diện tích 5 ha với vốn đầu tư 40 tỷ theo công nghệ của Hà Lan. Dự kiến nuôi 360 con heo nái, 1.000 heo thịt. Sau đó, khi heo sinh sản sẽ giữ lại toàn bộ heo đực để nuôi lấy thịt, còn heo cái bán giống, có công ty ký hợp đồng bao tiêu.

Trại sử dụng công nghệ gắn chíp trên tai, máy ăn thả xuống mỗi lần 250 gram, ngày thả 3 - 4 lần để tránh thất thoát chi phí. Cách làm này có ưu điểm là khi heo không ăn hết máy sẽ tự động tách ra ô riêng, khi đó thú y sẽ đến kiểm tra. Hơn nữa, giảm được công nhân sẽ không dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh chăn nuôi. Ngoài ra, trang trại có phần mềm kết nối với các trang trại ở châu Âu (Hà Lan) để biết nguyên nhân vì sao con nái đẻ thấp, tiêu tốn thứ ăn nhiều ít hay bệnh… Lúc đó, hệ thống máy tính sẽ báo dữ liệu về trang trại nước ngoài để họ phân tích rồi báo về bên này lại để xử lý và điều chỉnh kịp thời”, anh Tân nói.

Ngoài ra, anh còn đầu tư trang trại theo chuẩn GlobalGAP để đảm bảo chất lượng xuất đi toàn cầu. “Hiện tại nước ta đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nên đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP để vượt khỏi “ao làng” xuất đi Campuchia, Lào hay các nước khác dễ dàng.

(Theo Tiền phong)