- Đồng nghiệp của chúng tôi gọi ông là tỷ phú nhưng vào nhà ông lại chẳng thấy giàu. Hỏi ông tại sao “bị gọi là tỷ phú” ông chỉ cười hề hề… Trò chuyện xong mới hiểu, ông là tỉ phú về kí ức, tỷ phú về lòng tự hào, tỷ phú về thanh liêm, tỷ phú về tuổi tác, tỷ phú về sức khỏe.

Ông là Hà Văn Yên ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Tin bài cùng chuyên mục:


Bí quyết của ông già tỷ phú…

Ông Yên năm nay đã 94 tuổi, tóc bạc như cước nhưng dáng người vẫn nhanh nhẹn, chân tay khỏe khoắn, mắt vẫn tinh nhanh mà bằng chứng là ở tuổi đó ông vẫn đọc báo không cần kính.
Ông Yên nay đã 94 tuổi nhưng sức vóc vẫn trẻ trung

Nhiều năm liền, ông giữ một thói quen “ăn to nói lớn”, bữa cơm ông luôn ăn 3, 4 bát cơm, không uống rượu bia và buổi chiều đi bộ tập thể dục vòng quanh sân vận động trước nhà. Ông nói cười thì sang sảng, ông bảo “nói to để người đối diện dễ nghe”.

Hỏi chuyện, ông vẫn nhớ những câu thơ từ mấy chục năm về trước, ông đọc vanh vách “Chúng ta ăn tết an nhàn/ Nên thương chiến sĩ gian nan chiến trường”. Ông Yên đã hoạt động cách mạng từ trước cách mạng, được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau này ông được tặng thưởng huân chương có chữ kí của cả Bác Hồ. Thời trước gia đình ông chăm cả những cán bộ cách mạng to, nhưng là người không nhạy thời nên không xin chứng nhận, đến giờ tất cả những người đó đã là “thiên cổ” ông cũng không đoái hoài làm gì.

Giữa cái nắng mùa thu lịch sử này, kí ức quen thuộc của ông là về những năm tháng làm cờ tổ quốc. Những kí ức đó thật giản dị mà vẫn hào hùng, ông bảo “Đáng nhẽ mình đã chết 2 lần nhưng nay vẫn sống khỏe mạnh nên nói về quá khứ cũng vui”.

Trông báo Cứu Quốc và giác ngộ cách mạng
Huân chương do Bác Hồ kí tặng ghi nhận những tháng ngày hoạt động của ông.

“Tôi sinh năm 1917, là người gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Vào những năm 1942 tôi đang làm việc ở kho thép ở 36 đường Sơn Tây, Hà Nội. Lúc đó có anh Nguyễn Trọng Huệ là cán bộ cách mạng giác ngộ trước đó, anh ấy hay đến xưởng gửi Báo Cứu Quốc và liên lạc với tổ chức. Anh em cũng biết nhau từ trước (anh Huệ biết cả cụ thân sinh nhà tôi nên rất tin tưởng) anh giao cho tôi trông báo, nhờ tôi liên lạc với đơn vị.

“Tôi cứ giữ những chồng báo mỏng và nhỏ anh gửi đến vài ngày rồi lại lấy đi. Hồi đó báo Cứu Quốc khoảng 1 đến 2 tháng mới có 1 số. Mỗi lần anh đến nói chuyện một chút, sau này anh rủ tham gia những hội kín. Họp hành nhiều tự khắc mình cũng là người của cách mạng”.

94 tuổi, kí ức về thời gian, thời điểm chính xác của ông Yên đôi khi có nhầm lẫn. Chỉ biết rằng từng động thái nhỏ của cách mạng khi ấy ông đều biết và hiểu. Là người được học hành đầy đủ, tờ báo Cứu Quốc, An Nam, Đông Pháp ông đều đọc qua, bởi thế hình thành thói quen quan sát, đánh giá vấn đề rất nhanh nhạy của người cán bộ sau này.

Thói quen đọc báo từ thời trẻ, đến già ông còn giữ. Năm nay 94 tuổi, ông đọc báo Vĩnh Phúc không cần kính.

Trong rừng cờ ấy có cờ của người Thổ Tang

  Ở Thổ Tang còn giữ được quả bom bị rút ruột làm kẻng từ thủa xưa… dấu tích ghi về quê hương Thổ Tang cách mạng. 


“Năm 1945 khi Nhật đảo chính tôi vẫn đi tuyên truyền cho Việt Minh. Nhưng lúc ấy chuyển lên đất Thổ Tang này sinh sống. Vốn là người gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh nên chúng tôi có nghề giỏi là nghề làm vàng mã. Nghề làm vàng mã cứ thông minh một chút là chế ra cái gì cũng được” Ông Yên hồ hởi chia sẻ.

Nghĩ một hồi, khơi cái kí ức còn sống trong trái tim mình, ông Yên tiếp tục nói: Báo Cứu Quốc vào những năm ấy in nhiều lá cờ tổ quốc. Tôi nhìn qua là hiểu một lá cờ đỏ thắm thành quen. Sau này cũng biết bài thơ về lá cờ tổ quốc:

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì tổ quốc
Sao vàng tương da của giống nòi
Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

“Giấy hồng điều đỏ cắt nhỏ làm nền cờ. Giấy hồng điều vàng cắt nhỏ làm sao vàng trên cờ (một tờ có thể cắt được 50 ngôi sao). Cán cờ bằng tre lấy ở ngoài búi. Chúng tôi làm rất đơn giản để người lớn và trẻ con có cờ dùng”.

Đến Thổ Tang hôm nay hỏi về việc làm cờ, nhiều người còn nghi ngại vì đó đã là lịch sử rất lâu. Chỉ có một đảng viên trong địa phương nói: “Lịch sử Đảng bộ thị Trấn Thổ Tang chỉ còn ghi lại được, nhờ người Thổ Tang nhanh nhẹn, tháo vát về buôn bán nên mang cờ đi bán khắp nơi”.

Như vậy kết nối nhiều sự kiện thì thấy: Từ lá cờ của người giác ngộ cách mạng “giỏi làm vàng mã” Hà Văn Yên, cờ tổ quốc đã đi khắp hang cùng, ngõ hẻm tăng lên hào khí dân tộc khi ấy.

Kí ức ông Yên tự hào hơn khi kể về ngày đầu tiên Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập: Ngày 2/9/1945 cờ tràn Hà Nội, Hà Nội có một rừng cờ, hàng ngàn hàng vạn chiếc cờ, trong rừng cờ ấy có vô vàn lá cờ của người Thổ Tang bây giờ.

Cũng theo ông Yên thì sau này nhờ người ở khu vực trên nhạy bén nên mang cờ cả vào Sài Gòn để bán… Cờ lúc ấy chỉ bán được 5 xu, rẻ lắm! Nhưng việc làm được cờ và bán cờ từ thủa xa xưa ấy là một điều tự hào.

  • T. Phan

Sống trong thời bình và thời chiến lẫn lộn có muôn vàn gian nan nhưng tư duy nhạy bén của ông Yên đã giúp đặt móng xây nên những công trình quan trọng của đất nước, đứng sau ông là một bà vợ hiền hòa, nhân hậu, thủy chung. Đến nay ông 94, bà 86 tình của họ vẫn đẹp như… tiên.

Bài 2: Tình già đẹp như tiên