Thời gian qua, hàng loạt thông tin về các hồ sơ di sản đã và đang được xây dựng để đệ trình lên UNESCO chờ cơ hội được công nhận. Tuy nhiên, theo thông tin từ Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, năm 2013 sẽ chỉ có một đại diện di sản giành chiến thắng, khiến "cuộc đua" danh hiệu càng trở nên gắt gao. 

Các tin liên quan

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thành di sản UNESCO

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xứng đáng là di sản UNESCO

"Cuộc đua" danh hiệu UNESCO ở Việt Nam

{keywords}
Làng cổ Đường Lâm đã có kế hoạch lập hồ sơ từ 6 tháng trước. 

Hơn 6 tháng trước, nhiều tranh luận đã diễn ra quanh kế hoạch lập hồ sơ đăng ký gửi UNESCO của nghi thức hát chầu văn (do tỉnh Nam Định chủ trì). Tiếp đó là nghệ thuật hát Then (Tuyên Quang), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), hay gần đây nhất là cụm di tích Yên Tử (Quảng Ninh - có buổi báo cáo lên Bộ VHTT&DL vào 29/3). Chưa kể, nhiều di sản đã được nhắc tới từ cách đây ít nhất 3 năm như cụm danh thắng Tràng An (Ninh Bình), đảo Cát Bà (Hải Phòng) hay nghệ thuật đờn ca tài tử của các tỉnh phía Nam... cũng đang nằm trong danh sách đề nghị UNESCO công nhận trong năm 2013.


Cuộc đua tranh lần này có vẻ quyết liệt khi "Trong năm 2013, chúng ta chỉ có thể mang về một danh hiệu cấp thế giới duy nhất, nếu hồ sơ Nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO chính thức công nhận. Những danh hiệu khác, nếu có, sẽ chỉ đến vào năm 2014" - ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết. Theo lời ông Thắng, "số phận" của bộ hồ sơ Nghệ thuật đờn ca tài tử gửi đi từ năm 2012, sẽ chính thức được quyết định trong phiên họp Hội đồng của UNESCO tại Adecbaizan vào cuối tháng 11 năm nay.

Trong năm 2013 này, ở hạng mục Di sản văn hóa, Việt Nam đã đệ trình lên UNESCO 2 bộ hồ sơ của đảo Cát Bà và cụm danh thắng Tràng An. Ở hạng mục Di sản văn hóa phi vật thể, bộ hồ sơ Dân ca ví giặm (2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xây dựng) cũng đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để kịp gửi lên UNESCO trước ngày 1/4. Ở hạng mục Di sản tư liệu Thế giới, hạn chót để UNESCO nhận hồ sơ cho đợt xét tặng danh hiệu cấp châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 là tháng 10 tới.

Hiện tại, theo nhiều chuyên gia, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, nơi bảo quản bộ Châu bản triều Nguyễn có ngự phê (bút tích của các vua Nguyễn) đang được động viên lập hồ sơ đề cử cho danh hiệu này. Như vậy, dự kiến trong năm 2014, Việt Nam sẽ có ít nhất 4 hồ sơ chờ UNESCO xét duyệt.

"Từ vài năm nay, UNESCO khuyến cáo các nước tham gia nên chủ động xếp thứ tự ưu tiên trong trường hợp gửi nhiều hồ sơ đề cử cho danh hiệu di sản phi vật thể. Ngoài ra, tổ chức này cũng khuyến khích ưu tiên các bộ hồ sơ được xây dựng liên thông bởi nhiều quốc gia, hoặc thuộc về các nước chưa có danh hiệu nào" - ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, ở hạng mục Di sản Văn hóa, UNESCO chỉ chấp nhận các quốc gia gửi một hồ sơ mỗi năm cho từng thể loại: Di sản tự nhiên, Di sản văn hóa, Di sản hỗn hợp. Trong hạng mục này, Việt Nam gửi 2 bộ hồ sơ vì đăng ký tham dự theo thể loại khác nhau là Di sản tự nhiên (đảo Cát Bà) và Di sản hỗn hợp (cụm danh thắng Tràng An). Trong trường hợp kịp triển khai, các hồ sơ của tranh Đông Hồ, hát Then, nghi thức Chầu văn... chỉ có thể được đăng ký gửi lên UNESCO vào năm 2014 và có kết quả một năm sau đó.

Như vậy, cánh cửa cho sự công nhận di sản UNESCO ngày càng hẹp, trong khi, rất nhiều địa phương ở Việt Nam hào hứng với danh hiệu này. Để tránh sự lãng phí khi đầu tư xây dựng hồ sơ, nhưng không mang lại hiệu quả, rất cần sự điều tiết của Bộ VHTT&DL trong việc chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Theo KTĐT