Việc tiếp cận, phát triển của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khoảng cách và mức độ khác nhau. Trong đó, rất nhiều nơi còn khó khăn, thiếu thốn. Một trong những vấn đề khó khăn nhất của vùng sâu vùng xa là giao thông đi lại khó khăn. Để giải quyết vấn đề này một cách nhanh nhất, thu hẹp khoảng cách hiệu quả sớm nhất chỉ có một con đường là kết nối người dân vùng sâu, vùng xa với thế giới văn minh thông qua các nền tảng công nghệ số, thông qua CNTT-thông tin.

Thúc đẩy ứng dụng CNTT- thông tin được kỳ vọng là một trong các cách thức tiếp cận hiệu quả góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch giữa các khu vực để đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy phát triển toàn diện của vùng sâu vùng xa, nhanh nhất so với tất cả các yếu tố khác.

Bởi vậy, trong các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, cần có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số mua và sử dụng điện thoại thông minh. Chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, cải thiện mẫu mã các sản phẩm đặc trưng của địa phương được bày bán trên sàn thương mại điện tử.

caobang.jpg

Là tỉnh vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, Hà Giang chọn cách phối hợp các doanh nghiệp công nghệ đã có sản phẩm sẵn sàng giúp Hà Giang chuyển đổi số một cách toàn diện, nhanh gọn. Theo chủ trương này, Hà Giang đã tổ chức hội thảo và ký chương trình hợp tác với Công ty cổ phần FPT để triển khai các nội dung chuyển đổi số; thành lập 7 tổ công tác đối đẳng nhằm bảo đảm sự phối hợp thông suốt, hiệu quả trong triển khai 7 nhóm nhiệm vụ liên quan chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số, truyền thông số, đào tạo số, thanh niên với chuyển đổi số…

Yên Bái cũng bắt kịp luồng gió chuyển đổi số khá thành công. Ngay từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, địa phương xác định mình là tỉnh nghèo, muốn phát triển kinh tế-xã hội, muốn đi tắt đón đầu, thì phải lựa chọn công nghệ. Yên Bái có cách tiếp cận riêng, là đi vào những lĩnh vực chi phí ít nhưng đã có nền tảng cơ sở để tận dụng nguồn lực sẵn có và tiết kiệm chi phí. 

Triển khai chương trình chuyển đổi số, các ngành, đơn vị liên quan tại tỉnh Thái Nguyên đã có sự phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Các chủ thể OCOP tại địa phương được khuyến khích đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở… Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số; 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee…

Từ thực tế phối hợp với các địa phương, đại diện sàn TMĐT Postmart tin rằng, chỉ khi tiếp cận và giúp đỡ được các hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp trên các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo kinh doanh hiệu quả trên nền tảng số, chúng ta mới có thể đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế từ biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đẩy mạnh triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đến nay, sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn, thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã có 5,4 triệu tài khoản người mua, bán; hơn 668.000 nhà cung cấp tham gia bán hàng trên sàn; hơn 152.000 sản phẩm được kinh doanh trên sàn, xấp xỉ đạt 1,3 triệu giao dịch phát sinh, đồng thời có hơn 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT. Đặc biệt, một lượng lớn hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn Postmart là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong gần 3 năm, sàn Postmart đã góp phần phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Trong thời gian tới, Sàn TMĐT Postmart - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai phương án thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, xây dựng phương án phù hợp về phát triển các nhà cung cấp, kết nối các nhà sản xuất ở địa phương, tổ chức đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, các sản phẩm đặc trưng khác tại tỉnh thông qua sàn TMĐT Postmart.vn. Đồng thời, triển khai các chương trình marketing nhằm quảng bá, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm trên sàn; Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo các kỹ năng chuyên sâu về kinh doanh, vận hành, bán hàng trên môi trường số để nâng cao nhận thức và hiểu biết về thương mại điện tử nói chung và kiến thức về kinh doanh trên sàn TMĐT Postmart.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV