Toàn tỉnh Nam Định hiện có hơn 100 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Trong xu thế hội nhập, nhiều làng nghề đã ứng dụng công nghệ mới chuyển dần sang tự động hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số để số hóa thông tin dữ liệu, xây dựng website riêng, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và sử dụng mạng xã hội để xúc tiến thương mại cho sản phẩm. 

Người dân các làng nghề nhanh chóng chuyển đổi, phát triển bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube…; nhanh chóng học các kỹ năng quay phim, chụp ảnh và viết lời bình mô tả sản phẩm giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến nhằm thu hút khách hàng. Hiệu quả của việc kinh doanh qua mạng đã giúp làng nghề duy trì kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả các khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt…

Làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực là đơn vị tiên phong trong việc số hóa thông tin làng nghề một cách bài bản; tạo công cụ quảng bá thương hiệu của làng nghề, góp phần tôn vinh tài năng, thế mạnh, thương hiệu của từng nghệ nhân.

Ảnh màn hình 2024 05 16 lúc 15.42.53.png
Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Được sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH IOTLink, UBND xã Điền Xá và Hiệp hội Cây cảnh Điền Xá triển khai xây dựng thành công mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê” trên nền tảng bản đồ số. Hiện làng nghề hoa, cây cảnh Điền Xá đã xây dựng website chính thức thu hút được khách hàng từ khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. 

Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đổi thay của làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi. Mỗi nhà vườn sở hữu một địa chỉ số; mỗi sản phẩm hoa, cây cảnh được định danh, định giá và minh bạch về các thông số kỹ thuật, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi thông tin, mua bán sản phẩm.

Tại thành phố Nam Định, nhiều hộ dân kinh doanh hoa, cây cảnh của các xã Nam Phong, Nam Vân cũng đã tiến hành số hóa dữ liệu từng sản phẩm hoa, cây cảnh độc đáo của nhà vườn và tạo mã QR cho từng sản phẩm. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR là biết rõ mọi thông tin của sản phẩm. Nhờ cách làm này mà sản phẩm hoa, cây cảnh của các nhà vườn của xã Nam Phong, Nam Vân nhanh chóng chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng khi quảng bá trên các giao diện số, các sàn thương mại điện tử.

Ngoài việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, các làng nghề truyền thống trong tỉnh còn có thêm cơ hội tham gia vào các tour du lịch sinh thái cộng đồng như nghề làm muối truyền thống Văn Lý (Hải Hậu), Bạch Long (Giao Thủy); làng nghề làm nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); làng nghề chạm khắc gỗ thủ công mỹ nghệ Yên Tiến (Ý Yên)…

Sự chuyển mình mạnh mẽ của làng nghề truyền thống thời công nghệ số đã chứng minh sức sống bền bỉ, năng động, linh hoạt của làng nghề. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, làng nghề truyền thống đang rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho làng nghề một cách bài bản.

Khánh Vy