Đưa hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè thế giới qua mạng xã hội

Ian Gardiner là một người Mỹ sống ở thành phố New York, chưa từng đặt chân đến Việt Nam. Tuy nhiên, Ian có thể nói vanh vách về những địa danh như Sapa, Vịnh Hạ Long, Phú Quốc.... thậm chí Ian còn biết ở Việt Nam có 54 dân tộc, Việt Nam là một đất nước có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Những thông tin này Ian có được nhờ một người bạn gửi cho đường link vietnam.vn. Những bức ảnh đẹp dã cuốn hút Ian say xưa lục tìm thông tin thông tin về một đất nước xa lạ, anh chưa có dịp đặt chân đến. 

minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Eva Flomo là một nhà hoạt động xã hội, sống và làm việc ở Liberia (châu Phi), dành nhiều sự quan tâm về xoá đói, giảm nghèo. Thông qua kênh truyền hình Văn hóa - Đối ngoại quốc gia của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) đã biết đến câu chuyện Việt Nam. 

"Việt Nam thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo. Đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí. Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Ví dụ, xã Chế Tạo, xã Chế Cu Nha của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trước đây từ trung tâm huyện xuống xã phải mất 4,5 tiếng đi bộ, nhưng nay chỉ mất 45 phút đi ô tô hoặc xe máy là đến được trung tâm xã. Hay xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, ngày trước đi bộ mất 9 tiếng đồng hồ tới xã, giờ mất khoảng 30 phút đi ô tô hoặc xe máy",.... là những thông tin Eva nắm bắt được thông qua VTV4 để đưa vào bài nghiên cứu mới nhất của cô.

Đẩy mạnh áp dụng các phương thức truyền thông mới 

Không thể phủ nhận, trong năm qua, phương thức tuyên truyền và thông tin đối ngoại đã triển khai đa dạng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các phương thức truyền thông mới, nhất là mạng xã hội. 

Đổi mới phương thức tuyên truyền bằng cách thực hiện chuyển đổi số dưới hình thức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức trực tuyến, mang đến trải nghiệm mới mẻ, phù hợp với giới trẻ, tiếp cận được đông đảo người dân trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế.

Không chỉ có vậy, trên thế giới đã xuất hiện những hình thức như photovoice (kể chuyện bằng hình ảnh), photo story (tạo slide kể chuyện với hình ảnh minh họa)… Đây là những hình thức kết hợp hình ảnh tĩnh, hình ảnh động với lời nói, âm nhạc để truyền tải thông điệp hình ảnh. Những hình thức đăng tải mới này sẽ tác động trực tiếp vào thị giác và thính giác của độc giả, thu hút sự chú ý của độc giả, mang lại hiệu quả cao hơn trong việc truyền đạt thông điệp. Đây cũng là hình thức đáp ứng được nhu cầu của độc giả, có tính liên kết và có sức thuyến phục hơn.

Cần áp dụng những công nghệ hiện đại của mạng internet, của báo chí để có hình thức thể hiện thông điệp ảnh báo chí mới mẻ, đem lại trải nghiệm trực quan cho độc giả như những thước phim quay chậm như thông điệp ảnh 3D, trình bày các câu chuyện mang tính nhập vai, trải nghiệm.... Với số lượng ảnh nhiều, nên chia thành các khối nội dung ảnh để không tạo cảm giác nhàm chán, bị lặp lại. Điều quan trọng nhất đối với các phóng viên, cần có sự tư duy bằng hình ảnh để truyền tải nội dung thông điệp; chứ không phải nghĩ tới nội dung thông điệp cần truyền tải trước, rồi sau đó, mới tính đến tìm kiếm ảnh nào cho phù hợp với nội dung thông điệp.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV