Đổi mới thông tin, tuyên truyền
Phường An Bình có 7 tổ với 2.389 hộ. Cùng với hệ thống loa thông minh của thị xã, của phường và hệ thống loa truyền thanh của tổ đặt tại nhà văn hóa, từ phường đến các tổ dân phố đều có nhóm Zalo, Facebook nhằm cung cấp thông tin chính thống cho người dân.
Ông Lê Kim Long - Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 1-cho biết: Nhóm Zalo Chi bộ có 50 thành viên, tổ dân phố có 140 thành viên, đảng viên đương chức có 60 thành viên; Ban Công tác Mặt trận, hội, đoàn thể hơn 160 thành viên và nhóm Zalo của 4 khu dân cư với gần 400 thành viên.
Hàng ngày, trưởng nhóm có trách nhiệm vào nhóm Zalo cấp trên tải những văn bản chỉ đạo về nhóm Zalo để chuyển tới cán bộ, hội viên, người dân.
Ngoài ra, các nhóm Zalo thường xuyên phổ biến thông tin liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của phường, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trong khu dân cư; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cán bộ Hội Nông dân phường An Bình (thị xã An Khê) trao đổi kỹ thuật chăm sóc thỏ với chị Nguyễn Thị Thoa (đứng giữa, ở tổ 7). Ảnh: Ngọc Minh |
“Từ đầu năm đến nay, thông qua nhóm Zalo, chúng tôi vận động người dân tham gia xây dựng thành công tuyến phố văn minh tại đường Tô Hiệu và đoạn đường Quang Trung thuộc địa bàn của tổ. Bên cạnh đó, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%; đã có 70 lượt hộ vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để đầu tư sản xuất, chăn nuôi với tổng dư nợ gần 7 tỷ đồng. Các nhóm Zalo cũng nhận được hàng trăm lượt tương tác, phản ánh của người dân về kết quả bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, các chính sách hỗ trợ, tình hình an ninh trật tự tại địa phương”, ông Long thông tin.
Nhiều năm nay, hệ thống thông tin công nghệ số, mạng xã hội Facebook, Zalo đã trở thành kênh thông tin, tuyên truyền hữu hiệu của các hội, đoàn thể phường An Bình.
Anh Nguyễn Thành Luân - Bí thư Đoàn phường-cho hay: Thời gian qua, Đoàn phường đã tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, gồm: Thư điện tử, Fanpage, Zalo, App Thanh niên.
Theo đó, Đoàn phường đã lập nhóm Facebook “Đoàn phường An Bình” với 1.400 bạn bè, 183 người theo dõi và Fanpage “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường An Bình” với 129 người theo dõi. Bên cạnh đó, Đoàn phường có 2 nhóm Zalo để tuyên truyền và triển khai công việc cho các chi đoàn.
Thông qua hệ thống thông tin công nghệ số, Fanpage, Đoàn phường đã kịp thời thông tin, tuyên truyền những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của Đoàn các cấp tới đoàn viên, thanh niên (ĐVTN); triển khai hiệu quả hoạt động xã hội từ thiện, nêu gương người tốt, việc tốt. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần phát huy tinh thần xung kích của ĐVTN nói riêng và người dân nói chung.
“Trong năm 2023, ứng dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội đã giúp Đoàn phường chỉ đạo, tổ chức thành công Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, tặng quà các em thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên trên địa bàn phường; ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè thu hút hơn 1.500 lượt ĐVTN tham gia; phối hợp với Hội Khuyến học phường và các tổ dân phố vận động được hơn 21 triệu đồng để tặng quà các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; vận động ĐVTN tham gia các tổ công nghệ số của địa phương, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, giúp bà con đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2”, anh Luân chia sẻ.
Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với triển khai thực hiện khâu đột phá “Ứng dụng CNTT, kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động Hội” giai đoạn 2021-2026 của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã lập nhóm Zalo với 16 thành viên và nhóm Facebook có hơn 600 hội viên phụ nữ tham gia cùng hơn 200 lượt người theo dõi. 7 chi hội phụ nữ có nhóm Zalo riêng với gần 100 hội viên/nhóm. Các hội viên, trưởng nhóm tích cực tham gia các nhóm Zalo của Hội Phụ nữ cấp trên, ở khu dân cư để cập nhật thông tin, tuyên truyền đến hội viên, người dân.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Bình Đào Thị Diễm Hương cho biết: Từ khi ứng dụng CNTT, mạng xã hội, các hoạt động của Hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn.
Trước đây, cán bộ Hội phải về cơ sở để vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua thì nay chỉ cần có điện thoại thông minh cài đặt Facebook, Zalo, hội viên có thể truy cập, nắm bắt thông tin kịp thời.
Qua đó thu hút hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động do Hội tổ chức; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Trong thời kỳ phát triển của công nghệ hiện nay, phần lớn người dân đều có điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu giao tiếp, tìm hiểu các thông tin trên internet và mạng xã hội. Từ đó, người dân chọn lọc những nội dung phù hợp, áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Đoàn viên, thanh niên phường An Bình hướng dẫn người dân cách tham gia nhóm Zalo của tổ dân phố. Ảnh: N.M |
Anh Nguyễn Minh Cường (tổ 1) không có việc làm ổn định, ruộng vườn ít, vợ bị bệnh tâm thần nhiều năm nay. Sẻ chia với hoàn cảnh gia đình anh Cường, năm 2020, tổ dân phố kết nối với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho anh vay 30 triệu đồng để mua 1 con bò và làm chuồng nuôi nhốt. Đến nay, bò mẹ đã đẻ bê con.
Năm 2022, tổ dân phố kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ 70 triệu đồng, Mặt trận, Hội Phụ nữ phường hỗ trợ 5 triệu đồng giúp anh Cường xây dựng căn nhà kiên cố.
Tháng 10 vừa qua, anh Cường được phường hỗ trợ 1 con bò theo diện đối ứng (Nhà nước hỗ trợ 60% còn lại gia đình đóng góp).
“Tham gia nhóm Zalo tổ dân phố 1 từ năm 2017 đến nay, hàng ngày, tôi thường cập nhật thông tin về chế độ, chính sách cho hộ cận nghèo, hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, tìm kiếm việc làm. Đôi lúc chứng kiến vụ việc gì xảy ra trên địa bàn, tôi nhắn tin lên nhóm Zalo hoặc gọi điện cho cán bộ tổ phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết. Trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok có rất nhiều thông tin. Tôi mong nhóm Zalo có thêm nhiều tin bài về mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể tổ dân phố, của phường để người dân tiếp cận thông tin chính thống áp dụng vào đời sống hiệu quả hơn”, anh Cường chia sẻ.
Dù bận rộn với công việc đồng áng và chăn nuôi thỏ nhưng chị Nguyễn Thị Thoa (tổ 7) vẫn dành thời gian tham gia các buổi họp tổ, sinh hoạt hội. Chị cũng thường vào nhóm Zalo, Facebook của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phường để cập nhật thông tin giá cả thị trường, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc thỏ sinh sản, thỏ thương phẩm.
“Nhờ chủ động tìm hiểu thông tin về nhu cầu tiêu dùng, từ năm 2016 đến nay, ngoài cung ứng thỏ giống, thỏ thương phẩm, tôi còn nhận sơ chế, chế biến thịt thỏ thành nhiều món ăn ngon được người dân đánh giá cao. Mô hình chăn nuôi thỏ mang lại thu nhập cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”, chị Thoa nói.
Chị Thoa cho biết thêm, để duy trì và phát triển trang trại nuôi thỏ, từ năm 2007 đến nay, chị đến phường làm các thủ tục hành chính liên quan đến chăn nuôi, vệ sinh môi trường.
Việc phường chú trọng ứng dụng CNTT trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã giúp người dân tra cứu thông tin, giải quyết công việc nhanh gọn hơn.
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung - công chức Văn hóa-Xã hội phường: Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, phường đã đầu tư 21 máy tính, máy in, scan; lắp đặt internet tốc độ cao và kết nối dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh (MegaWan).
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phường bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, lắp hệ thống camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc, có ti vi theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ, màn hình cảm ứng phục vụ tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
“Trong công tác giảm nghèo, phường đã thành lập nhóm Zalo Ban Chỉ đạo giảm nghèo với 42 thành viên; chỉ đạo công chức chuyên môn tích cực ứng dụng CNTT vào truyền thông, tham gia vào một số nhóm Zalo, Facebook để nắm bắt tình hình của hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó tham mưu giúp phường hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống”, bà Dung chia sẻ.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Đình Nguyên nhấn mạnh: Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của người dân và ứng dụng CNTT vào hoạt động truyền thông đã giúp công tác giảm nghèo của địa phương đạt kết quả khả quan. Đến nay, phường chỉ còn 5 hộ nghèo, giảm 4 hộ nghèo so với đầu năm 2023; còn 30 hộ cận nghèo, giảm 5 hộ cận nghèo so với đầu năm. Đối chiếu với kế hoạch thị xã giao đến cuối năm 2023 phường còn 8 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo thì phường đã vượt chỉ tiêu.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường kết nối với người dân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, hệ thống dịch vụ công; tiếp tục đăng tin bài, xây dựng chuyên mục, các văn bản về cải cách hành chính; thường xuyên cập nhật bộ thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi bổ sung, thay thế lên trang thông tin điện tử của phường; sử dụng truyền hình trực tuyến để tổ chức hội nghị, tuyên truyền từ trung ương đến cơ sở; sử dụng có hiệu quả trang-thiết bị CNTT đã đầu tư gắn với đổi mới công tác cải cách hành chính để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý, giúp người dân thực hiện giao dịch với các cơ quan, đơn vị thuận tiện, hiệu quả hơn”, Phó Chủ tịch UBND phường An Bình thông tin thêm.
Theo NGỌC MINH (Báo Gia Lai)