Ứng dụng hiệu quả CNSH ở Thừa Thiên -Huế đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Bốn năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đã tập trung đầu tư trên 10 tỷ đồng cho việc nghiên cứu ứng dụng CNSH vào sản xuất.

 

Đã có trên 30 đề tài được ứng dụng, tập trung phát triển các giống mới và cải thiện môi trường ở nông thôn. Được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, số hộ chăn nuôi lợn kết hợp xây dựng hầm khí biogas ngày càng tăng. Năm 2010, có khoảng 700 hầm khí biogas được xây dựng với kinh phí trên 300 triệu đồng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ ôi trường nông thôn.

Nông nghiệp Thừa Thiên - Huế cũng ứng dụng hiệu quả CNSH vào sản xuất thành công cá dầy; dùng chất ức chế sinh trưởng pacclobutrazol (P333) phun cho lạc để tăng năng suất; trồng hoa bằng phương pháp thủy canh, nhân giống thành công hoa chuông Braxin; sản xuất các loại nấm có giá trị kinh tế cao như: linh chi, nấm sò, nấm đùi gà...


Ngành phối hợp với Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân chế biến bèo tây, rơm, rạ... thành phân hữu cơ vi sinh thay thế phân hoá học. Phân hữu cơ vi sinh giúp cây trồng sinh trưởng tốt, năng suất tăng từ 8% đến 10%, hạn chế sâu bệnh, cải tạo và tăng độ xốp, màu mỡ cho đất, giải quyết vấn đề môi trường.

Ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học về CNSH nhằm nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
• T.M