Bộ Tài chính đã quyết định mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế cho một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thay vì chỉ thực hiện thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM như trước.
Theo quy định, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sau được đăng ký sử dụng hóa đơn xác thực gồm: là doanh nghiệp đã được cấp mã số thuế và đang hoạt động; hoạt động ở địa bàn có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có chứng thư số theo quy định của pháp luật và chứng thư số phải có thông tin mã số thuế của doanh nghiệp và đang còn hiệu lực.
Nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/9/2018.
Nghị định 119 quy định, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định của Nghị định này. Dữ liệu HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là cơ sở dữ liệu về HĐĐT để phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin HĐĐT cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, theo quy định tại Nghị định 119, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; thương mại điện tử; siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng CNTT, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hoá đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hoá đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu HĐĐT theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế (trừ trường hợp nêu tại mục 3 Điều 12 Nghị định 119 và trường hợp đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Cũng theo Nghị định 119, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện với các trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; hướng dẫn áp dụng HĐĐT với các trường hợp rủi ro cao về thuế; kết nối chuyển dữ liệu điện tử từ các ngân hàng thương mại hoặc cổng thanh toán điện tử quốc gia với cơ quan thuế; hướng dẫn việc cấp và khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và các nội dung khác cần thiết theo yêu cầu quản lý.