Đối với mọi ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong cuộc sống và năng lượng
hạt nhân, việc khai thác, sử dụng bức xạ phải tuân thủ nghiêm túc một
tiêu chí cao nhất, đó là: an toàn bức xạ là trên hết.
Đáy biển với lớp phù sa dày có thể hấp thụ phóng xạ, nhưng việc khoan các hố chôn có thể gặp phải rủi ro về khoan nhầm giếng dầu gây thảm họa.
Thiết bị đo nồng độ phóng xạ xách tay FH40GL-10:
Vi phạm quy tắc an toàn khá phổ biến
Một đợt thanh tra trên phạm vi toàn quốc về an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân, kéo dài 2 tháng 7 và 8 năm 2010 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai.
Sáng 29/10/2010, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả của đợt thanh tra đó. Những con số đáng chú ý sau đây đã được đưa ra.
Khoảng 1580 cơ sở được thanh tra, trong đó phần lớn là cơ sở sử dụng thiết bị X quang chiếu chụp để khám và chữa bệnh, một phần khác là những cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong sản xuất kinh doanh. Đã phát hiện 195 cơ sở vi phạm hành chính về an toàn bức xạ, hạt nhân. Tổng số tiền bị xử phạt lên đến gần 1,3 tỷ đồng.
Từ các số liệu thống kê được báo cáo của các địa phương, đã sắp xếp, phân loại tỷ lệ các cơ sở vi phạm trên tổng số các cơ sở được thanh tra theo từng nhóm hành vi vi phạm. Sau đây là thứ tự từ cao xuống thấp của các nhóm vi phạm phổ biến:
- 27,6% cơ sở vi phạm về công tác báo cáo thực trạng an toàn công việc bức xạ với cơ quan quản lý nhà nước định kỳ hàng năm.
- 19,6% cơ sở vi phạm về chứng chỉ nhân viên bức xạ,
- 13,3% cơ sở vi phạm về liều kế cá nhân,
- 11,7% cơ sở vi phạm quy định về khai báo, xin cấp giấy phép,
- 10,2% cơ sở vi phạm về kiểm định, hiệu chuẩn,
- 8,4% cơ sở vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ.
Qua những con số trên, có thể thấy các sai phạm xảy ra trong hầu hết các nhóm hành vi. Và tình trạng sai phạm trong mỗi hành vi cũng khá phổ biến, có trường hợp đến gần 30% số cơ sở.
Từ đó, có thể thấy: việc kiểm tra, thanh sát về an toàn bức xạ, hạt nhân định kỳ, thường xuyên và nghiêm túc là rất cấn thiết.
Quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở X-quang
Nói chung, mọi sai phạm nói trên, bất cứ thuộc nhóm nào, cũng đều dẫn đến tác hại cho sức khỏe con người, từ người bệnh, nhân viên trực tiếp làm công tác liên quan đến bức xạ, đến cộng đồng dân cư trong khu vực kế cận
Riêng trong tình hình thực tế nước ta hiện nay, nhóm các cơ sở X-quang có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng nhiều nhất và đáng được cơ quan quản lý quan tâm nhất.
Trước hết là các máy chiếu chụp X-quang nằm rải rác khắp nơi với số lượng lớn nhất trong tổng số các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ. Theo báo cáo của Chánh Thanh tra Bộ KHCN, trong đợt thanh tra vừa qua, trong tổng số 1.577 cơ sở được thanh tra, đã có 1.370 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong chẩn đoán, khám chữa bệnh (chiếm 86,8%). Số lượng cơ sở X-quang trong thực tế còn lớn hơn, với khoảng 2.700 máy X-quang chẩn đoán tại gần 1.900 cơ sở. Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế còn có 22 máy xạ trị sử dụng nguồn Cobalt-60, 10 máy gia tốc, 589 nguồn xạ trị áp sát.
Về điều kiện an toàn cho hoạt động của những cơ sở bức xạ y tế nói trên, Cục phó Cục An toàn bức xạ hạt nhân Đặng Thanh Lương cảnh báo rằng: “nếu không kiểm soát tốt sẽ gây nguy hại lớn cho sức khỏe con người và môi trường". Cụ thể, các số liệu đo kiểm tra liều lượng bức xạ trong không khí xung quanh khu vực đặt máy X-quang, liều chiếu xạ đối với người bệnh cho thấy: vẫn còn nhiều cơ sở để liều chiếu xạ vượt quá giới hạn cho phép, không đảm bảo diện tích phòng máy, chưa thực hiện biện pháp chắn tia X dẫn tới để lọt tia X ra bên ngoài, gây nhiễm xạ khu vực xung quanh. Một số cơ sở còn để bệnh nhân ở trong phòng chụp X-quang khi máy X-quang đang chiếu chụp. Máy X-quang ở một số cơ sở quá cũ, lạc hậu, không đảm bảo.
Cũng cần bổ sung thêm rằng, nhiều cơ sở X-quang đã hoạt động mà vẫn chưa hoàn thành thủ tục xin phép và chưa được cấp phép.
Tình trạng nói trên gíóng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả các cấp, các ngành liên quan, từ cơ sở Y tế quản lý trực tiếp các “lò phóng xạ” X-quang, các chính quyền địa phương, đến cấp quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân của nhà nước.
Đối với mọi ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong cuộc sống và năng lượng hạt nhân, và với tất cả các đơn vị cá nhân có trách nhiệm với các cơ sở khai thác, sử dụng bức xạ phải tuân thủ nghiêm túc một tiêu chí cao nhất, đó là: an toàn bức xạ là trên hết.
- T.T.M