Ngày 8/12, tại TP Đà Nẵng, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) tổ chức lễ nghiệm thu - bàn giao các trạm đo mưa và tháp cảnh báo lũ tự động phục vụ cảnh báo sớm mưa lũ tại cộng đồng năm 2023.

Nâng cao năng lực cảnh báo sớm từ công nghệ đo, truyền tự động

Theo đó, trong năm 2023, Qũy QPT đã triển khai lắp đặt 80 trạm đo mưa tự động hỗ trợ 9 tỉnh gồm: Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu và An Giang. Đồng thời, triển khai lắp đặt 10 tháp cảnh bão lũ tự động hỗ trợ một số địa phương tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Đà Nẵng phục vụ cộng đồng phòng tránh thiên tai tại các địa phương.

Qũy QPT cho biết, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã vận động kinh phí lắp đặt được 843 trạm đo mưa tự động và 16 tháp cảnh báo lũ tự động cho cộng đồng tại 48 tỉnh/thành phố trên cả nước.

thien tai2.jpg
Nguyên thường trực Ban Bí thư Phan Diễn (áo xanh đeo kính) nghe giới thiệu về hệ thống tháp cảnh báo lũ tự động

Thông qua các trạm này, những dữ liệu quan trắc tự động được cập nhật và hiển thị lên hệ thống đo mưa của các tỉnh, thành phố cũng như kết nối về hệ thồng dữ liệu khí tượng thuỷ văn của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, hệ thống trạm đo mưa giúp cho ngành khí tượng thuỷ văn có thêm số liệu tham khảo và lưu trữ trong mạng thông tin chuyên ngành để làm số liệu đầu vào, phục vụ cho việc phân tích, chạy mô hình đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại.

Ông Văn Phú Chính – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước cho biết, sau trận lũ lịch sử năm 1999, các tỉnh miền Trung xây dựng các tháp báo lũ bằng bê tông, kẻ vạch đánh dấu mốc các trận lũ lịch sử đã xảy ra. Nhiệm vụ của tháp để cảnh báo cho người dân sống ở khu vực đó sẽ bị ngập sâu như thế nào để khi có lũ lớn người dân chủ động di dời ứng phó; thứ 2 có thể phục vụ xây dựng cốt nền.

w z4791573725291 fa06c971ee8bdc9fb1446aec132de985 1 1135.jpg
Tháp cảnh báo lũ tự động được lắp đặt tại khu vực rốn lũ Mẹ Suốt, Đà Nẵng

Với công nghệ hiện đại hiện nay, đơn vị đã nghiên cứu phát triển tháp báo lũ thông minh. Tháp báo lũ này kết hợp với trạm đo mực nước và tháp báo lũ truyền thống được làm bằng thép thuận tiện di chuyển thay đổi vị trí. Bên ngoài được kẻ thước mực nước bằng sơn phản quang và đánh dấu các mức lũ lịch sử đã xảy ra, phía trên có đèn xoay sẽ tự động phát sáng khi độ sâu ngập lụt vượt ngưỡng. Bên trong có gắn cảm biến đo mực nước kết nối với Datalogger được thiết kế riêng cho tháp báo lũ thông minh.

“Tháp báo lũ thông minh được lắp đặt tại các đồng bằng ngập lũ nhằm giám sát độ ngập lụt theo thời gian thực, kết nối với các trạm quan trắc mực nước của hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia để dự báo, cảnh báo độ ngập tại vị trí đặt tháp theo cấp báo động. Đồng thời có hệ thống cao độ kết nối với hệ thống quan trắc, để cơ quan chính quyền và người dân chủ đông triển khai ứng phó khi có mưa lũ”, ông Chính cho biết.

Ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại

Tại lễ nghiệm thu, đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Khí tượng Thủy văn các tỉnh đã đánh giá cao hiệu quả thiết thực của dự án. Việc tăng dày các trạm đo mưa tự động mang lại hiệu quả cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời và chính xác hơn với công tác dự báo khí tượng thủy văn tại các địa phương.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Thừa Thiên- Huế là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ hàng năm, nhất là trong điều kiện diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu hiện nay. Năm 2023 Qũy QPT đã hỗ trợ địa phương 5 trạm đo mưa tự động.

thien tai1.jpg
Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai hỗ trợ các địa phương tháp cảnh báo lũ tự động 

“Các trạm đo mưa tăng dày lên đã giúp địa phương trong việc theo dõi tình hình mưa các lưu vực, đặc biệt là vận hành hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Tương tự, đối với các tháp cảnh báo lũ được áp dụng công nghệ hiện đại kết nối với điện thoại thông minh đã chuyển số liệu trực tiếp mực nước của các khu vực hỗ trợ địa phương tăng cường năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với mưa lũ theo thời gian thực, giảm thiểu các thiệt hại do lũ lụt gây ra cho cộng đồng”, ông Hòa chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho biết, các trạm đo mực nước thông minh đã giúp phục vụ tốt cho công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố.

Theo ông Tuyến, thiên tai ngày càng phức tạp, đô thị hóa nhanh và liên tục xuất hiện các trận mưa lịch sử, các trạm đo mưa và đo mực nước thông minh đã giúp thành phố có các giải pháp ứng phó, chống ngập hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Ông Cao Đức Phát, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho biết: “Hiện nay các tỉnh miền Trung và nhiều nơi trong nước thường xuyên xảy ra mưa lớn và gây lũ lụt ảnh hưởng đời sống của nhân dân, nên việc theo dõi để biết được chính xác lượng mưa cũng như mực nước lũ rất quan trọng. Việc lắp đặt những trạm đo mưa và đo mực nước lũ và kết hợp với hệ thống của nhà nước giúp cho các cấp chính quyền có biện pháp hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh, tránh được thiệt hại không chỉ vật chất và đặc biệt là con người.”

Ông Phan Diễn - Nguyên thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Danh dự Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho hay, các địa phương rất cần lắp đặt những trạm đo mưa và đo mực nước lũ tự động để kịp thời chống lũ. Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai sẽ phấn đấu phủ dày hơn nữa các trạm để việc dự báo được tốt hơn.

Hồ Giáp