Rất ít, thậm chí không hề biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng không rõ ràng, khiến bạn dễ nhầm lẫn sang những bệnh lý thông thường là cách mà căn bệnh “báo tử” mang tên ung thư vòm họng sử dụng để “đánh lừa” hòng giảm bớt cơ hội sống của bạn.

Nguy cơ đến từ “kẻ giết người thầm lặng”

Không giống các bệnh lý đặc thù khác như bệnh tim mạch, da liễu hay viêm đường hô hấp, ung thư vòm họng thường khó phát hiện sớm do bệnh tiến triển âm thầm, hầu như không biểu hiện triệu chứng gì đáng kể ở những giai đoạn đầu và chỉ phát tác mạnh mẽ khi đến giai đoạn cuối, làm người bệnh không kịp trở tay.

Căn bệnh này được xếp hàng đầu trong số các loại ung thư thường gặp vùng đầu – cổ và cũng là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam với tỷ lệ người mắc khá cao, lên tới 12%. Đáng nói hơn, trong số những người mắc có đến 70% trường hợp phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, khiến cơ hội giành lại sự sống của họ bị rút ngắn đi rất nhiều.

{keywords}
Ảnh minh họa

Do đó, việc tầm soát ung thư vòm họng định kỳ 6 tháng một lần là hướng đi sáng được các bác sĩ khuyến khích thực hiện, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao bao gồm nam giới tuổi đời từ 30-55; người hay hút thuốc lá hoặc uống rượu bia nhiều; người sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm, khói bụi; người hay ăn mặn, hay dùng thực phẩm lên men, đồ ăn chế biến sẵn; các cặp đôi thích quan hệ tình dục qua đường miệng (oral sex)…

Chỉ có tầm soát ung thư đều đặn ngay trong những lần thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm mới giúp bạn phát hiện sớm nếu không may mắc phải căn bệnh nguy hiểm trên khi mà như đã nói, biểu hiện bệnh của nó gần như không có và không hề đặc thù.

Khi ảo tưởng “hổ lớn” là “mèo con”

Ban đầu, lúc mới hình thành, ung thư vòm họng hoặc gần như không biểu hiện triệu chứng, hoặc sẽ “vay mượn” triệu chứng của một số bệnh thông thường liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng hạt, viêm xoang hay bệnh nội khoa về thần kinh, mạch máu khiến người bệnh thường lơ là, chủ quan và bỏ qua.

Những triệu chứng giai đoạn đầu dễ gây nhầm lẫn có thể là ngứa rát cổ họng, nghẹt mũi, đôi khi chảy máu cam, ù tai, mắt mờ, đau nửa đầu, nổi hạch cổ.

Nếu cảm thấy đau họng, khó nuốt kèm theo nghẹt mũi, sổ mũi, bạn rất dễ lầm tưởng mình đang bị cảm cúm, viêm họng. Thêm biểu hiện nổi hạch ở cổ, chắc chỉ là viêm họng hạt thôi, uống thuốc vài ngày lại đâu vào đấy ngay?! Cho dù thi thoảng đột nhiên chảy máu cam, nhiều trường hợp vẫn chỉ xem đó là biểu hiện bình thường do nóng trong người hoặc làm việc quá sức…

Tuy rằng các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về tai – mũi – họng khác, song để ý cẩn thận, người bệnh vẫn có thể nhìn ra sự khác biệt vì điểm chung của ung thư vòm họng là các dấu hiệu bệnh thường phát sinh ở cùng một bên (ví dụ như đau nửa đầu, nghẹt một bên mũi), nặng dần theo thời gian (đơn cử như ban đầu chỉ bị nghẹt mũi, khó nuốt, về sau có thể chảy máu cam, nổi hạch cổ) và điều trị bằng thuốc không ăn thua (thuốc có thể nhất thời làm dịu triệu chứng bệnh nhưng sau 3-4 tuần điều trị vẫn không thể khỏi hẳn, hoặc khỏi một thời gian rồi bệnh lại tái phát).

Khi bệnh tới giai đoạn di căn (giai đoạn cuối), các triệu chứng sẽ phát tác nhanh và trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: hạch to và lan sang các vị trí khác, mất cảm giác ở họng, chảy mủ mũi đi kèm máu, đau đầu dữ dội, thính lực giảm hẳn, rối loạn thị giác… Đây cũng là lúc báo hiệu khả năng khỏi bệnh hoặc kéo dài sự sống thêm 5 năm sau điều trị của bạn đang ngày càng ít đi, chỉ ở mức 10-40% trong khi nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn đầu, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể đạt trên 90%.

Thế nên, bạn cần quan sát kỹ mọi biểu hiện bất thường, dù là nhỏ nhất của cơ thể kết hợp tầm soát ung thư định kỳ để sớm phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời, tránh tình trạng tưởng nhầm “hổ lớn” là “mèo con”, đẩy bản thân đến gần hơn với tử thần mà không hề hay biết.

Ngoài ra, việc áp dụng một lối sống khoa học không thuốc lá, rượu bia, tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp lý và quan hệ tình dục lành mạnh cũng giúp bạn và gia đình tránh được nguy cơ mắc ung thư vòm họng cùng nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

(Theo Sức khỏe và Đời sống)