Thời gian gần đây, các tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu của những gia đình tại Hàn Quốc (gọi là các Chaebol) đang trở thành điểm tranh cãi trong cuộc đua bầu cử tổng thống Hàn Quốc.

Chaebol bị chỉ trích

Cuối tháng 12 năm 2012, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử nhằm chọn ra vị tổng tư lệnh thay thế tổng thống sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak. Ngay từ bây giờ, các chiến dịch vận động đã và đang hâm nóng bầu không khí trên cả nước.

Park Geun-hye, con gái cố tổng thống Park Chung-hee, đang thể hiện sự nỗ lực để trở thành nữ tổng thống đầu tiên và sẽ kế tục sự nghiệp của người cha nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, bà đang phải đối mặt với hai ứng viên tiềm năng trong cuộc chạy đua, một trong số đó là Moon Jae-in người đã từng bị cầm tù dưới chế độ của cha bà.

Mặc dù mỗi ứng viên đều đưa ra những quan điểm riêng biệt, thế nhưng họ đều hướng dư luận vào những chỉ trích về sự phát triển không lành mạnh của nền kinh tế, nơi các Chaebol thuộc sở hữu bởi các siêu gia đình đã và đang chi phối nền kinh tế trong nhiều năm qua.

Việc chỉ trích nhằm vào các Chaebol đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng đây là thời điểm phù hợp để có những chính sách mạnh tay hơn. Công chúng từng phản ứng về lệnh ân xá cho vị giám đốc điều hành của tập đoàn Hyundai là Lee Myung-bak - vị tổng thống sắp mãn nhiệm.

Người dân Hàn Quốc luôn tự hào về những thành tựu đã đạt được của đất nước nhờ vào sự phát triển của các Chaebol như Huyndai, LG, và đặc biệt là Samsung Electronics, đây là một trong những tập đoàn đã khẳng định được thương hiệu trên toàn thế giới, là nhà tài trợ chính cho nhà đương kim vô địch bóng đá châu Âu - Câu lạc bộ bóng đá Chelsea, cũng như thế vận hội Olympics.


Thế nhưng, họ cũng có những dè dặt nhất định về những ảnh hưởng tiêu cực và sự phụ thuộc của cả nền kinh tế vào các Chaebol. Những số liệu thống kê gần đây cho thấy Chaebol tham gia vào hơn hai phần ba trong tổng số 76 lĩnh vực kinh doanh tại Hàn Quốc, kể cả những lĩnh vực mới như việc sản xuất bánh Pizza, túi xách lông thú.

Trong một thập kỷ qua, số lượng các công ty hợp tác làm ăn với 10 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã tăng lên gần gấp đôi, đạt gần 600 công ty. Trong 06 tháng đầu năm nay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của 10 Chaebol đã chiếm hơn 70% tổng lợi nhuận của tất cả các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Hàn Quốc.

Chính sự thành công của các Chaebol trong những năm qua đã giúp cho vị thế quốc tế và hình ảnh của đất nước Hàn Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó xã hội Hàn Quốc cũng chứa đựng những yếu tố bất ổn như sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, dân số Hàn Quốc đang có dấu hiệu lão hóa và các động lực phát triển kinh tế có dấu hiệu đi xuống.

Nền kinh tế dân chủ

Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của các ứng viên đang xoay quanh thuật ngữ "dân chủ hóa nền kinh tế để lấy lòng cử tri. Trong số đó, người gây được sự chú ý nhiều hơn là bà Park vì lời tuyên chiến với Đảng Saenuri cầm quyền của đương kim tổng thống Lee theo chủ nghĩa “tập đoàn hóa”.

Đối thủ của bà Park đều tuyên bố là sẽ hướng chính sách kinh tế của mình vào việc bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ khỏi quỹ đạo của các Chaebol, trong số đó có ông Moon của Đảng Dân chủ thống nhất và ông Ahn Cheol-soo - một chính trị gia độc lập, đồng thời là một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm.

Xa hơn nữa, ông Moon còn mô tả Hàn Quốc hiện có một "nền kinh tế cá lớn", trong đó các Chaebol được hưởng những “chính sách thiên vị" so với các doanh nghiệp khác. Mặc dù vậy, ông không có ý định tước bỏ ngay những đặc ân này mà hướng trọng tâm vào thúc đẩy tiến trình minh bạch hóa thể chế, chống độc quyền và hạn chế các Chaebol sử dụng sức mạnh cơ bắp vào những lĩnh vực dễ gây tổn thương cho các doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế, Chaebol đang phải đối mặt với dư luận trong nước, trong đó có phong trào đòi hỏi quyền lợi về việc làm cho các thế hệ tương lai vì sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa lao động tại các Chaebol và phần còn lại của nền kinh tế. Ngược lại, luật sư của các tập đoàn này lại cảnh báo công chúng rằng việc đưa ra các yêu sách và tấn công vào các Chaebol tức là tấn công vào nền kinh tế của đất nước vì họ chính là trụ cột của kinh tế Hàn Quốc.

Vừa qua Ủy ban công bằng thương mại Hàn Quốc đã dáng một đòn vào ba công ty thuộc tập đoàn Shinsegae thông qua án phạt lên tới 4 tỷ won, tương đương với 3,7 triệu USD. Đây là một tập đoàn gồm các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm và bánh Pizza lớn tại Hàn Quốc có liên quan đến gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung.

Tuy nhiên, sự kiện gây chú ý nhất liên quan đến một chủ sở hữu của Chaebol trong thời gian qua lại là Kim Seung-youn, chủ tịch của tập đoàn Hanwha, ông từng bị kết án vì đánh một nhân viên quầy Bar sau khi những người này tham gia một vụ ẩu đả với con trai mình.

Tổng thống Lee sau đó đã nhanh chóng miễn tội truy tố cho ông Kim, tuy nhiên một lần nữa Kim Seung-youn lại bị kết án trong một vụ án tham ô và đã bị bắt vào tháng Tám. Ông chính là một ví dụ hiếm hoi về một chủ tịch tập đoàn đầy quyền lực bị kết án và dư luận Hàn Quốc đang chờ đợi xem liệu một lần nữa Lee Myung-bak có sử dụng quyền của tổng thống để ân xá cho ông Kim trước khi mãn nhiệm.

Nguyễn Công Huân (tổng hợp)