- “Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra lời kêu gọi: người người làm khoa học, nhà nhà làm khoa học. Nghe lời kêu gọi đó, ý tưởng làm máy bay ấp ủ bấy lâu nay giờ có dịp trỗi dậy” – Hai Lúa Trần Quốc Hải bộc bạch.
Giáo sư truy vấn “Hai lúa” chế tạo máy bay
Câu chuyện hai cha con anh Hải ngày đêm vật lộn với những công đoạn để hoàn thành 2 chiếc trực thăng đã được nói nhiều. Nhưng câu chuyện nhà khoa học truy vấn “Hai lúa” làm trực thăng thì ít được nhắc tới…
Sau khi có thông tin ông Hải làm được máy bay, các đoàn của chính chủ đến….khảo sát
Ông Trần Quốc Hải và con trai Trần Quốc Thanh trong thời gian cải tiến xe bọc thép trên đất bạn Campuchia |
“Nhìn chiếc máy bay để tại nhà, cảm nhận đầu tiên của họ là tỏ ý không tin người Việt Nam có đủ trình độ để có thể chế tạo được máy bay. Sau đó, một đoàn gồm các giáo sư tiến sĩ, lãnh đạo của 11 bộ đến đưa ra những câu hỏi truy vấn liên quan đến quá trình hình thành cũng như phương án vận hành chiếc trực thăng này” – ông Hải nhớ lại.
Do trả lời thông suốt mọi câu hỏi, nên không lâu, “Hai lúa” Tây Ninh được mời ra Hà Nội.
Trong chương trình đó, người phỏng vấn ông Trần Quốc Hải là GS-TS Nguyễn Thế Mịch, trưởng bộ môn hàng không trường đại học Bách khoa Hà Nội. GS Mịch hỏi gì ông đáp nấy, không một vấp váp.
Chiếc trực thăng
thử nghiệm của ông Hải ...và một chiếc khác được trưng bày tại triển lãm nước ngoài. |
Chưa dừng lại, một phái đoàn khác gồm các GS.TS được đào tạo ở nước ngoài được đưa đến. Những câu hỏi được đưa ra và một lần nữa và ông Hải đều trả lời trôi chảy. Kết quả của những lần “kiểm tra” như thế, “Hai lúa” được cấp bằng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
“Hai chiếc máy bay do chính bàn tay của cha con tôi làm ra được đưa đi thử nghiệm trước 2 trung tướng, một thiếu tướng và hàng chục đại tá cùng nhiều GS-TS khác. Khởi động. Cánh quạt chuyển động từ chậm sang nhanh vù vù trước mặt mọi người. Tuy nhiên công việc thử nghiệm chỉ dừng lại ở đây mà không được phép cất cánh…
Được quan tâm, tôi cứ nghĩ rằng mình được khuyến khích tiếp tục làm công việc khoa học này. Nhưng không…” - ông Hải nhớ lại
Sau khuyến cáo này, ông Hải chưa biết phải làm gì với chiếc trực thăng thì viện bảo tàng Moma ở Mỹ đánh tiếng muốn mua. Cuối cùng chủ nhân đành phải bán. Số tiền thu được, ông Hải dồn hết vào việc nghiên cứu các công trình khác.
Nói đến đây, ông Hải đã cho chúng tôi xem một bài báo của hãng thông tấn CNN có đoạn: “Một phái đoàn của Úc đã đến thăm và mời ông đến tham dự một cuộc triển lãm vào tháng 12 năm 2006. Trong buổi triển lãm đó ông nói về những khó khăn trong suốt quá trình chế tạo chiếc phi cơ cũng như những cách thức mà ông đã sử dụng để chế tạo nó.
Người Úc gọi ông là Farmer and engineer (Kỹ sư nông dân) |
Chiếc máy bay trực thăng của ông Hải đã được chọn là một trong ba thiết kế triển vọng tại buổi triển lãm này, cùng với thiết kế của một người Úc và một người Trung Quốc”.
Ước mong cháy bỏng: được tự do làm khoa học
Sau những thành công về qui trình chăm sóc cây khoai mì có chút tiếng vang, lữ đoàn 70 của nước bạn Campuchia ngỏ ý mời ông Hải về thực hiện qui trình này trên những thửa đất của họ.
Những người lãnh đạo lữ đoàn mong muốn được cơ giới hóa toàn diện trong việc canh tác cây khoai mì. Ngoài các khâu trồng, bón phân, chăm sóc cây mì, cha con ông Hải còn phải sửa chữa máy móc, cải tiến dàn cày.
Trong lúc làm việc, ông Hải nhìn thấy có nhiều xe bọc thép hư hỏng mà trước đó đã được các chuyên gia Nga, Ucraina thậm chí có cả Việt Nam sửa chữa.
“Hai lúa” Trần Quốc Hải bình dị trong cuộc sống hàng ngày. |
Một phần vì tự ái dân tộc và cũng “ngứa nghề”, ông xin phép được khảo sát qua cấu tạo của xe bọc thép Liên Xô. Loại xe này có quá nhiều nhược điểm, trong đó lớn nhất là xe được chế tạo để sử dụng ở những vùng có khí hậu ôn đới. Vì thế với Campuchia, một nước nhiệt đới khó lòng thích nghi được.
Ông Trần Quốc Hải đã đề nghị họ thay đổi động cơ từ máy xăng sang máy dầu để vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa tăng công suất của máy tạo được độ tin cậy cao.
Sau khi xe được thay động cơ Hino (của Nhật) và đưa ra vận hành thử. Ai cũng thừa nhận sáng kiến của cha con ông Hải đạt được những hiệu quả rõ rệt. Chiếc xe được nghiệm thu và tác giả sáng kiến tiếp tục được giao cải tiến 11 xe còn lại trong đó có 7 chiếc BRDM – 2 và 4 chiếc BTR 60PB.
Ông Hải tiếp tục nghiên cứu cải tiến, giảm bớt tiêu hao nhiên liệu, tăng tính cơ động cho xe….Ban đầu ông phải tự bỏ tiền túi 25.000USD để thực hiện chiếc đầu tiên, nhắm tạo niềm tin.
Thành công ngoài sức tượng tượng, phía bạn đã đầu tư tiếp để cha con ông Hải hoàn thành cả 11 chiếc với đầy đủ tính năng thích hợp.
Trước thành công này, tướng 3 sao Mao Xo Phanh bàn với ông Hải việc chế tạo loại xe bọc thép để phù hợp với Campuchia mà không cần phải nhập ngoại. Ông Hải gật đầu và không lâu sau đó được giao nhiệm vụ làm tổng công trình sư…
4 tháng sau, chiếc xe bọc thép đầu tiên của Campuchia và cả Đông Nam Á được ra đời. “Hai lúa” Việt Nam và con trai được quốc vương Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân và công nhận là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp cho nền kỹ thuật của đất nước.
Trong suốt thời gian lưu lại Campuchia, cha con ông Hải được đối xử rất trọng vọng ngang hàng với cấp tướng. Phía bạn đề nghị cấp nhà, xe và 18 mẫu đất có xoài để níu chân người tài, nhưng ông Hải đã khước từ.
“Với tôi, tiền tài và danh vọng chỉ là vật ngoài thân. Tôi chỉ có một ước muốn, một ước muốn cháy bỏng là được nghiên cứu khoa học tiếp tục cống hiến những thành quả mình cho đất nước, cho đồng bào.
Tôi rời Campuchia về đến quê nhà vào ngày 15/10 vừa qua để tổ chức đám cưới cho cháu Thanh. Trong khi đó, tại Campuchia, một dự án đã hình thành nhằm xây dựng một nhà máy chế tạo xe bọc thép.Hiện tại tôi đã bỏ ngỏ chưa trả lời về lời mời của họ...” - ông Hải cho biết khi kết thúc câu chuyện.
Trần Chánh Nghĩa