- Người thanh niên còn rất trẻ với trang phục thể thao ngồi thụp xuống bên cạnh một bệnh nhân. Gương mặt anh đượm buồn và đầy vẻ ăn năn. Anh nói không tròn câu với bệnh nhân : “Giá mà hôm ấy thầy không cho hai em mượn xe”…
 
Thầy ray rứt, trò hồn nhiên
  
Hình ảnh xúc động đó chúng tôi ghi nhận được tại khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện 115 (TP.HCM) vào chiều 3/12.
  
Người thanh niên ấy chính là anh Võ Văn Noon, giáo viên phụ trách bộ môn thể dục của trường PTTH Phạm Văn Sáng (xã Xuân Thới Thượng H. Hóc Môn).

 

 
Thầy giáo Noon ray rứt lương tâm
 

Trưa 1/12, hai em Lê Thị Nhật Phương và Nguyễn Tăng Thanh Ngân, học sinh lớp 10 của trường đã hỏi mượn xe của anh để đi chút việc riêng. Anh đồng ý và chẳng bao lâu sau, tin xấu bay về. Cả hai bị tai nạn giao thông tại ngã tư Phan Văn Hớn – Dương Công Khi, cách trường khoảng hơn 1km.
  
Em Phương tử vong tai chỗ. Ngân bị bánh xe tải đè lên tay phải trong suốt một giờ. Sau đó nhờ vào tấm lòng của bà con em được giải thoát và chuyển viện cấp cứu.
  
Anh Noon và nhiều đồng nghiệp vội đến ngay hiện trường, chứng kiến hình ảnh đau lòng đó. Hôm nay, sau khi đến viếng đứa học trò vắn số, anh đến bệnh viện thăm Ngân.
 
 

 
Các giáo viên trường Phạm Văn Sáng thăm hỏi Ngân tại bệnh viện

Nhiều thầy cô đã đến với Ngân. Những lời động viên chia sẻ cùng những tình cảm thân thương đã làm Ngân vơi bớt nỗi đau. Khuôn mặt thơ ngây xinh xắn của Ngân đầy những vết thương đã khô chuyển màu đen sậm. Cánh tay phải Ngân giờ nằm yên, bất động. Sau nhiều lần phẫu thuật, ghép da, bàn tay Ngân được giữ chặt bởi những thanh công cụ ngành y.
  
Cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò trong khung cảnh bệnh viện khiến nhiều người chung quanh xúc động. Các thầy luôn dành cho Ngân những tình cảm đặc biệt yêu thương. Đổi lại, Ngân nhìn  thầy, cô bằng ánh mắt biết ơn và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi để giấu đi sự đau đớn tột cùng.
  
Không ai có thể tin rằng một đứa bé 15 tuổi như Ngân phải trải qua những giây phút tưởng chừng như khó vượt qua được.
  
Giấu nỗi đau để mơ tới tương lai
  
“Tối qua, nó dặn chúng tôi sáng nay xin bác sĩ cho về để còn làm bài thi” Bà Cúc, mẹ của Ngân cho chúng tôi biết như thế. Làm sao về được trong lúc này ? Bàn tay như thế chắc gì đã cầm bút ngay được, dù đã lành hẳn. Ngân còn phải trải qua tập luyện. Thế mà nó còn…nũng nịu với chúng tôi : “ con còn tay trái mà”.
  
Trong suốt những ngày nằm viện, bố mẹ Ngân luôn túc trực bên con. Ông bà cho biết, mặc dù những vết thương trên mặt em chưa lành, ăn uống và nói chuyện vô cùng khó khăn, cánh tay phải được cố định một chỗ nhưng Ngân rất muốn nói chuyện cho quên đi những cơn đau đang hành hạ.

 
Bà Cúc, mẹ Ngân đang chăm sóc con gái tại bệnh viện. Bàn tay phải của Ngân (trong vòng tròn) đang bất động.
 
Bất kỳ ai hỏi có đau không em đều lắc đầu. Ngân lạc quan tin vào cuộc sống; em vẫn cười với tất cả mọi người và nói về ước mơ trong tương lai với ánh mắt tràn đầy nhựa sống.
  
Bà Cúc cho biết thêm, Ngân được chọn vào đội tuyển văn đi thi Oympic. Trong thời gian này em cùng các bạn đang tích cực ôn luyện để mong đạt kết quả tốt nhất. Ngày xảy ra tai nạn, em xin gia đình cho ở lại trường cả ngày để tiện việc học. Không ngờ tai nạn lại ập tới, khiến cho bao dự định tan biến trong giây lát.
  
Thấy chúng tôi ái ngại. Ngân vẫn vui vẻ nói : “Giờ em chỉ mong tay nhanh khỏi và không bị ảnh hưởng gì để em có thể tiếp tục đến lớp. Em rất yêu thích ngành du lịch và ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Em dự định sẽ thi đại học hai ngành đó. Nhưng giờ bị thế này rồi không biết em có thực hiện được ước mơ nữa không”.

Ngân còn cho biết thêm : “Em đã ấp ủ giấc mơ được đi du học ở Singapore từ lúc còn nhỏ. Và nhất định em sẽ thực hiện giấc mơ đó”.
  
Nói đến đây, gương mặt em chùng xuống. Ngân hỏi tôi : “Phương nó thế nào rồi. Em và Phương thân nhau lắm. Trong lớp 2 đứa ngồi cạnh nhau làm gì, đi đâu cũng có nhau. Tụi em đã hứa với nhau sẽ cùng lên đại học sẽ học chung ngành chung trường với nhau”
  
Thì ra Ngân vẫn chưa biết người bạn thân thiết của mình đã vĩnh viễn ra đi. Gia đình và người thân đã không muốn Ngân biết sự thật đau lòng này khi còn trên giường bệnh…
  
Khi chúng tôi viết đến những dòng này (6g ngày 4/12), tại nhà của Phương, gia đình đã bắt đầu động quan. Phương sẽ được đưa ngang qua trường để thêm một lần nữa bạn bè và thầy cô chào vĩnh biệt.
  
Tương lai tươi đẹp và mộng ước chưa thành hiện thực đã vụt tắt ở một em. Và em còn lại đang mờ mịt phía trước. Chúng tôi chỉ một ước mong những người ngồi sau tay lái đọc được bài viết này để có: “Một ý thức giao thông, triệu con người hạnh phúc”
  
Trần Chánh Nghĩa – Thúy Lộc