- Nhìn quần đảo thật gần trên những bản đồ, tư liệu trước mặt, cụ Tíu không màng tuổi ngoài 70, ước mong có một chuyến đi Trường Sa như một sự “khát khao tha thiết” cuối đời.
Xen lẫn trong vô số những người đến tham quan triển lãm (“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đang diễn ra tại TP.HCM), ông Nguyễn Hồng Thanh 80 tuổi, đến từ quận Gò Vấp, cần mẫn lật từng trang “Châu bản triều Nguyễn” và ghi chép lại cẩn thận.
“Ghi lại như thế để khi về nhà kể lại với bà con. Mấy hôm nay, tôi vô cùng háo hức để đi xem. Tôi đã nghỉ hưu nhưng tôi biết về Hoàng Sa, Trường Sa từ trước năm 1945”, ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh kể đã biết về Hoàng Sa, Trường Sa từ lúc lên 9-10 tuổi. Cha của ông cũng kể về trận chiến ở Hoàng Sa, về con cái của những người bạn ra đi chiến đấu, bảo vệ Hoàng Sa đã hy sinh vì “gặp phải sóng to gió lớn”….
“Các học giả trên thế giới cũng đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, một số học giả Trung Quốc cũng khẳng định điều đó. Những tư liệu hôm nay tại triển lãm này cũng là những bằng chứng không thể chối cãi”, ông Thanh tâm đắc.
Vợ chồng anh Hồ Dương và chị Trượng Thị Liền. Ảnh: Đinh Tuấn |
Trong hàng ngàn người đến xem triển lãm có 3 vị khách đặc biệt đến từ đảo Song Tử Tây, đó là gia đình anh Hồ Dương và vợ là chị Trương Thị Liền cùng bé Hồ Song Tất Minh (công dân đầu tiên được sinh ra ở Trường Sa).
Anh Dương cho hay, vợ chồng anh đưa con vào TP.HCM chơi được bốn ngày, khi chuẩn bị về thì biết tin có triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa nên đã nán lại để đến xem “đảo Song Tử Tây quê mình trong ảnh như thế nào”.
Chỉ tay vào đảo Song Tử Tây, nơi gia đình mình đang sinh sống, anh Dương cho biết, họ rất ấn tượng và hãnh diện.
Chị Liền thì kể “cuộc sống ở đảo chúng tôi với đất liền rất khác biệt. Ở đảo chúng tôi rất thiếu thốn những tình cảm hơi ấm đất liền. Thời gian qua, khi đoàn lãnh đạo của TP.HCM ra đảo, chúng tôi rất mừng vui vì nó mang hơi ấm đất liền ra đảo cho chúng tôi".
Thiêng liêng
Đến xem triển lãm còn có nhiều du khách nước ngoài như Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Họ bày tỏ sự ấn tượng và hiểu biết thêm về Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm thu hút hàng ngàn người xem. |
Ông Nico Maas (Hà Lan) chia sẻ, ông rất ấn tượng với nguồn tư liệu trưng bày tại triển lãm, nhất là những dòng chú thích bằng tiếng Anh giúp ông dễ dàng hiểu được nội dung triển lãm.
“Điều này thể hiện được nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình. Đây là nguồn tư liệu thật sự có tính thuyết phục rất cao, đặc biệt là những bản đồ của phương Tây do người Hà Lan vẽ thì độ chuẩn xác rất cao”, ông Maas nhận xét.
Cuốn ghi cảm tưởng triển lãm này cũng dầy lên từng ngày sau hàng ngàn lượt khách tham quan.
Ông Hoàng Văn Căm, đến từ tỉnh Hà Nam cho hay, triển lãm đã cho ông thêm hiểu biết và kiến thức để nói chuyện với mọi người.
“Tới đây, Nhà nước nên tổ chức thêm nhiều cuộc triển lãm như thế này nữa về các vùng quê vì người dân nông thôn ít hiểu biết về biển đảo. Nhà nước cần giành nhiều thời gian tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về biển đảo.”, ông Căm chia sẻ.
TS Lê Huỳnh Hoa – Trường ĐH sư phạm TP.HCM bày tỏ cảm kích khi đây là nguồn tư liệu giảng dạy hữu ích.
“Triển lãm có giá trị ý nghĩa tiếp sức để chúng tôi, những người giảng dạy lịch sử dân tộc có thêm bằng chứng khoa học để truyền dạy cho học sinh, sinh viên trong nhà trường”, ông Hoa chia sẻ.
Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước đưa triển lãm này tổ chức ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. |
Xem triển lãm, có người bày tỏ mơ ước một lần được ra Trường Sa. “Tôi đã ngoài 70 nhưng còn rất khỏe, muốn có một chuyến đi Trường Sa làm sao? Khát khao cuối đời thường là tha thiết, đầy cảm xúc trước vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Đặng Văn Tíu (phường Tân Định, Quận 1) nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, thay mặt đơn vị tổ chức triển lãm, đã nhắn ghi: “Triển lãm là một sự khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là một sự giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền Tổ quốc”.
Thứ trưởng nhấn mạnh, từ bao đời nay, người dân Việt Nam đã đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa hòa bình và bảo đảm các qui định đúng pháp luật quốc tế…
Trong những trang cảm tưởng còn có đoạn ghi “chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bất di bất dịch. Các thế hệ ‘con Lạc cháu Hồng’ phải giữ gìn cho kỳ được. Dù có mất mát, đau thương đến đâu chúng ta cũng quyết bảo vệ biển đảo của chúng ta.
Tá Lâm