Trong các thức uống, người Việt thường sử dụng rượu ngâm rễ củ, quả và động vật với quan niệm bổ, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngộ độc từ rượu ngâm đã xảy ra.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thông tin vừa qua, các bác sĩ đã tiếp nhận hai người đàn ông ở Hải Dương bị ngộ độc sau khi cùng uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Các bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim. Trong đó, một người bị tím tái, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.

Theo Đông y, củ ấu tẩu (hay còn gọi ấu tàu) thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Mặc dù vậy, thành phần của nó chứa aconitin là chất rất độc. Xét nghiệm nước tiểu của hai trường hợp này cũng phát hiện chất aconitin. Do được đưa đến viện kịp thời, các bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện. 

Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện và Điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết rượu thuốc bao gồm 2 loại ngâm cùng dược liệu hoặc động vật. 

Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát…

Bác sĩ Thủy cho biết các bài thuốc Đông y thường có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng phải có sự tư vấn từ bác sĩ Đông y. Người dân ngâm các loại củ quả, thảo mộc, động vật vào rượu không có sự kiểm soát có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

“Tác dụng bổ của các loại rượu ngâm chưa được kiểm chứng, chỉ là người dân truyền tai nhau. Khi sử dụng rượu ngâm, đầu tiên chúng ta phải biết rõ nguồn gốc và uống ở mức vừa phải”, chuyên gia này khuyến cáo.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cũng thông tin trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và dùng đúng liều lượng, đúng cách. 

Tuy nhiên, nếu không biết rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật, người dân tuyệt đối không được ngâm rượu uống, chế biến làm thực phẩm. Việc sử dụng không cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng 10%. Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.