Sau 1 tuần trước khá nóng, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Đồng USD trên thị trường ngân hàng đã tăng thêm khoảng 200-250 đồng sau khi đã tăng thêm khoảng 300 đồng trong tuần trước.
Tính tới cuối giờ chiều 23/3, , đa số các ngân hàng tiếp tục nâng giá mua bán đồng USD. Vietcombank niêm yết ở mức: 23.600 đồng (mua) và 23.760 đồng (bán). Vietinbank: 23.570 đồng (mua) và 23.730 đồng (bán). ACB: 23.580 đồng (mua) và 23.720 đồng (bán).
Chỉ trong phiên giao dịch hôm nay 23/3, các ngân hàng đã thay đổi tỷ giá USD/VND hàng chục lần và đều theo chiều hướng đi lên.
Trên thị trường tự do, giá USD "chợ đen" vọt lên sát ngưỡng 24.000 đồng. Một số điểm thu đổi ngoại tệ mua USD ở mức 23.780 đồng và bán ra 23.900 đồng, tăng thêm khoảng 50 đồng/USD so với giá cuối tuần.
Sáng 23/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tăng tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức lên thêm 7 đồng so với phiên cuối tuần trước lên 23.259 đồng đổi 1 USD. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 62 đồng (từ mức 22.197 đồng hôm 12/3).
Đồng USD trên thị trường ngân hàng và tự do tăng vọt, sắp lên ngưỡng 24.000 đồng. |
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng tăng mạnh từ mức 23.843 đồng lên mức 23.907 đồng như hiện tại.
Đồng USD trên thị trường trong nước tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng dữ dội so với các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt vọt lên mức 102,66 điểm, mức cao nhất trong 3 năm qua.
Mặc dù tăng mạnh, nhưng đà tăng của đồng USD được dự báo sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm ở cả trên thị trường thế giới và trong nước. Sở dĩ USD tăng mạnh là bởi ở vào thời điểm hiện tại tất cả các loại tài sản đều được xem là không hấp dẫn bằng đồng bạc xanh, kể cả vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ, chưa nói tới cổ phiếu đang sụt giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu.
Trong thời gian tối, với gói nới lỏng định lượng (QE) và kích thích kinh tế bung hàng loạt sắp tới, đồng USD sẽ giảm trong nay mai.
Theo Reuters, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4.000 tỷ USD để giúp doanh nghiệp đối phó dịch Covid-19 trong 3 tới 4 tháng sắp tới. Chương tình gói cho vay này sẽ được thực hiện cùng gói kích thích tài khóa trị giá 2.000 tỷ USD đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã đưa ra 2 dự luật: dự luật 1 trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch và gói 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp
Tại Việt Nam, đồng USD được đánh giá sẽ diễn biến theo biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới, theo hướng sẽ hạ nhiệt.
Hơn nữa, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng sẽ có biện pháp can thiệp.
Theo đó, đại diện NHNN cho biết, với tiềm lực ngoại tệ sẵn, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Nước Mỹ và chính quyền ông Donald Trump dồn dập tính gói giải cứu nền kinh tế. Đồng USD được dự báo sẽ chịu áp lực do tiền bơm ra nhiều. |
Theo thông tin của NHNN, ông Phạm Thành Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước.
Cụ thể, theo ông Phạm Thanh Hà, từ đầu năm 2020 cho đến trước Tết nguyên đán, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỷ giá thị trường khá ổn định, NHNN tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối.
Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 nhưng tỷ giá biến động không quá lớn, một số ngày tỷ giá giảm về sát tỷ giá mua của NHNN và TCTD tiếp tục bán ngoại tệ cho NHNN. Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, tỷ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN |
Ông Phạm Thanh Hà cho biết do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá. Mặc dù Ngân hàng trung ương các nước đã liên tục có các động thái chính sách để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng các chính sách này cần có độ trễ trước khi tác động hiệu quả tới thị trường.
Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước. Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được TCTD đáp ứng đầy đủ.
Nói về định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
V. Minh