Khác với xe số thông thường, xe côn tay yêu cầu người điều khiển phải bóp côn mỗi khi chuyển số, xuất phát hay những lúc di chuyển với tốc độ chậm. Mặc dù chạy xe côn tay mang lại cảm giác phấn khích khi sử dụng, nhưng đôi khi việc điều khiển xe côn tay lại trở thành thành “ác mộng” khi gặp phải tắc đường.
Một số dòng môtô phân khối lớn như Ducati 899 Panigale được trang bị côn dầu. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Đối với những xe sử dụng côn dầu thì việc bóp côn có phần thoải mái hơn vì tay côn khá nhẹ, tuy nhiên có rất ít xe được trang bị côn dầu vì chi phí cao. Để khắc phục tình trạng tay côn nặng, trên thị trường xuất hiện một loại trợ lực côn dành cho xe sử dụng côn dây thông thường. Bên cạnh lợi ích mà trợ lực côn mang lại, nó còn có những “tác dụng phụ” mà người dùng nên biết.
Trợ lực côn có cấu tạo đơn giản bao gồm một thanh dài có trục nằm lệch, một đầu kết nối với tay côn, đầu còn lại gắn vào dây côn truyền xuống bộ ly hợp của xe. Trợ lực côn hoạt động dựa theo nguyên lý đòn bẩy. Điều này đồng nghĩa với việc quãng đường bóp côn sẽ dài hơn, bù lại người điều khiển không cần dùng quá nhiều lực để bóp côn.
Cấu tạo của một bộ trợ lực côn khá đơn giản. Ảnh: Sendo. |
Trên những mẫu côn tay phổ thông, nhà sản xuất đã tính toán để tay côn có độ nặng vừa đủ vì thế lắp trợ lực côn là không cần thiết. Tuy nhiên ở một số dòng xe có hành trình côn khá ngắn, lắp trợ lực côn sẽ giúp tăng quãng đường của dây côn, qua đó giúp cho việc điều khiển xe dễ dàng hơn.
Ở một số dòng xe như Honda Winner có thiết kế hành trình côn dài, lắp đặt thêm trợ lực côn sẽ làm cho hành trình côn dài thêm, điều này có khả năng làm cho xe không cắt hết côn dù đã bóp sát tay côn. Về lâu dài có thể làm cho hệ thống ly hợp trong xe bị hư hỏng.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại trợ lực côn được bày bán, giá cả của trợ lực côn dao đồng từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Người dùng nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn những loại trợ lực côn có thương hiệu rõ ràng, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng, hàng nhái để tránh tiền mất tật mang.