Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) mới đây, chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” cho biết, giai đoạn vừa qua đã có những bước tiến quan trọng trong việc thương mại hóa và đưa những sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào với các kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như là đi xuất khẩu.
Chẳng hạn, Bộ Công Thương chú trọng tổ chức những hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng những cẩm nang để giới thiệu về sản phẩm đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, một các địa phương cũng sôi nổi tổ chức các điểm bán hàng hai chiều, cung ứng được hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đưa về các vùng miền có đông người tiêu dùng lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Trên thực tế, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, đồng thời góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được hình thành" bà Lê Việt Nga đánh giá.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với những tiềm năng rất lớn của sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc kết nối, phát triển thị trường thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo bà Lê Việt Nga, hiện vẫn có những dân tộc còn chưa thành thạo việc thương mại hóa các đặc sản của mình dù có yếu tố đặc trưng. Đồng bào dân tộc còn gặp quá nhiều khó khăn trong việc chuyển những sản phẩm đặc trưng thành hàng hóa. Thêm vào đó, rào cản ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất trong việc đưa bà con tiếp cận với những kiến thức thương mại, từ đó xây dựng nên các tiêu chuẩn và các mẫu mã bao bì cũng như quy trình kết nối với thị trường.
Chính vì vậy, bà Nga cho rằng, tới đây, cần nhiều giải pháp tổng lực hơn, cần các chính sách đột phá để thu hút được doanh nghiệp tham gia vào hỗ trợ các hộ nông dân, hộ sản xuất của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử, ở giai đoạn thử nghiệm, tại một số địa phương như: Sơn La, Lạng Sơn, Lâm Đồng đã rất thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, sơ chế, thu mua và xuất khẩu hoặc là đưa vào thị trường trong nước những sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thêm vào đó, các mô hình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số bán hàng trong các kênh phân phối hiện đại như: Sài Gòn Co.op hay BigC vẫn chưa trở thành những hoạt động thường xuyên hàng tuần, hàng tháng, hàng năm để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số có được một không gian để trình diễn văn hóa và đồng thời giới thiệu tới người tiêu dùng những sản phẩm đặc trưng vùng, miền.