Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, trong đó: Tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản đảm bảo đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có tài sản đảm bảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các hợp tác xã không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; Đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; Đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.

W-doiche.png
Ảnh minh hoạ

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là Hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Những năm qua, bám sát chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, NHNN xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.

Theo đó, NHNN thường xuyên rà soát để không ngừng hoàn thiện quy định về hoạt động cho vay, trong đó loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng; Ngân hàng nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Ngoài các chính sách ưu đãi thực hiện tại các Ngân hàng thương mại, các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản, thông thoáng, giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định pháp luật; giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 và để tháo gỡ và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt "Tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sau ngày 30/6/2024, đến hết 31/12/2024 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống"- bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.