Để đảm bảo việc giữ gìn thi hài Lenin không bị biến dạng, hơn 70 năm dưới chính thể Xô viết đã có tới 3 thế hệ các nhà khoa học Liên Xô nối tiếp nhau đảm nhiệm nhiệm vụ này.


Một trong 3 sự nghiệp quan trọng nhất

Đảng Cộng sản và chính phủ Liên Xô luôn coi công việc này như là một trong 3 sự nghiệp quan trọng nhất, đó là: bảo quản tốt thi hài Lenin, phát triển ngành hàng không vũ trụ, nghiên cứu và phát triển năng lượng hạt nhân.

Việc bảo vệ thi hài Lenin là công việc hết sức phức tạp, thí dụ việc duy trì nhiệt độ trong phòng đặt quan tài Lenin luôn luôn phải ở 16 độ C với sai số không được vượt quá 0,7 độC. Để thực hiện công việc này luôn phải có 12 kỹ sư, bác sĩ chuyên ngành làm việc trong mỗi ca trực, và các ca phải trực liên tục 24/24 giờ. Còn kỹ thuật chống sự hoại tử thi hài thì được coi là một trong những bí mật trọng điểm của quốc gia.

Lăng Lenin

Trong hồi ký của mình, khi nhớ lại sự kiện này, Sibarski đã viết: “Nhằm đảm bảo bí mật, chúng tôi đã xuất phát khỏi lăng vào nửa đêm 3/7/1941 và được một ủy viên Bộ Chính trị dùng xe tăng đón tại nhà ga Orkovsk. Sau khi thi hài và toàn bộ nhân viên cùng những người thân trong gia đình Lenin lên tàu, đoàn được hộ tống bởi 410 binh lính và sĩ quan Hồng quân".

Những ngày đó lại đặc biệt nóng. Để bảo vệ thi hài, họ đã phải dùng tới phương pháp rất thủ công, đó là xếp những thanh nước đá xung quanh quan tài, đồng thời phải dùng rượu cồn thường xuyên sát trùng để tránh hiện tượng hoại tử. Sau 5 ngày đoàn mới tới được Sumin (Uran) trong bối cảnh bí mật tuyệt đối.

Ngay cả Bí thư thứ nhất Khu ủy vùng đó cũng không được biết thực chất người ta đã đưa đoàn người này đến đây làm gì. Sau đó tất cả những người theo đoàn, trong đó có cả những người trong gia đình  giáo sư Sibarski đều phải lưu lại Xumin và được bố trí ở ký túc xá của Học viện Nông nghiệp, hoàn toàn cách ly với bên ngoài. Còn chiếc quan tài pha lê quàn thi hài Lênin thì được đặt tại phòng họp ở tầng hai của tòa nhà, và được gọi là “Phòng trắng” (Bạch cung).

Tại địa điểm mới, nhóm của giáo sư Sibarski gặp muôn vàn khó khăn trong công việc. Do chiến tranh mỗi ngày một ác liệt nên ngay cả khẩu phần lương thực cũng không đủ, thì cũng dễ hình dung ra những dụng cụ, thuốc men và những điều kiện khác phục vụ cho việc bảo quản thi hài thiếu thốn đến mức nào.

Nhưng chính tại nơi đây nhóm bảo quản do Sibarski đứng đầu đã phát minh ra những phương pháp bảo quản thi hài hoàn toàn mới. Thí dụ như Valuabov đã tìm ra phương pháp có tính đột phá trong công tác bảo vệ thi hài: khắc phục mỹ mãn toàn bộ những nốt tàn nhang trên khuôn mặt, đồng thời nâng cao được độ cao của mũi và con mắt như lúc Lênin còn sống.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn kéo dài, nhất là việc không thể duy trì được một nhiệt độ thích hợp, nên vào tháng 12/1943, thi hài bắt đầu xuất hiện hiện tượng hoại tử. Để khắc phục, các nhà bác học đành phải di chuyển thi hài xuống một căn hầm sâu dưới lòng đất với hy vọng lợi dụng được nhiệt độ thấp ở đây. Cho tới tháng 3/1945, khi mối đe dọa của quân phát xít đã bị đẩy lùi thì thi hài Lenin lại được đưa về Moscow để phục vụ nhân dân vào viếng.

Kể từ đó thi hài Lenin càng được bảo vệ hết sức cẩn trọng. Theo Giáo sư Delsunov, người trực tiếp lãnh đạo nhóm bảo quản thi hài, cho biết: mỗi tuần 2 lần vào thứ hai và thứ sáu, thi hài lại được tiến hành bảo dưỡng. Đầu tiên là thay bộ quần áo, sau đó thi hài được xử lý bằng chất liệu thơm rồi đưa vào phòng vô trùng để tiến hành kiểm tra một cách toàn diện.

Vẫn theo giáo sư Delsunov thì khi kiểm tra nếu phát hiện thấy bất kỳ một sự thay đổi nào, dù là nhỏ nhất, đều phải lập tức báo cáo lên Bộ Y tế Liên bang, và sau khi được Bộ chuẩn y mới được phép tiến hành các biện pháp khắc phục. Riêng người phụ trách phòng bảo ôn cứ 10 phút một lần phải báo cáo đầy đủ các thông số của phòng như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và phải chịu trách nhiệm duy trì các thông số cần thiết. Sau khi đã hoàn tất mọi công đoạn trên thì mới chỉnh sửa y phục, tư thế thi hài. Ngoài việc bảo dưỡng thường xuyên như trên, thì cứ nửa năm một lần thi hài được ngâm trong một loại dung dịch đặc biệt với thời gian kéo dài hai tuần liền.

V. Putin không muốn thi hài Lenin bị hỏa táng

"Sau khi Liên Xô sụp đổ, do rất nhiều nguyên nhân, chính quyền Nga khi đó đã không cấp kinh phí cho việc tiếp tục bảo quản thi hài Lenin. Phòng thí nghiệm lăng Lenin bị đổi tên thành “Trung tâm nghiên cứu y học kết hợp sử dụng thuốc thực vật toàn Nga”, khiến cho sự bảo quản thi hài ngày một khó khăn.

Trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, việc bảo quản thi hài vẫn được tiếp tục, song hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện của các cán bộ, nhân viên và các nhà khoa học, trong đó bao gồm cả con trai của Sibarski.

Cũng cần nói thêm rằng trong thời gian nói trên, nước Nga dưới quyền của Tổng thống Eltsin đã rộ lên cuộc tranh luận dai dẳng xung quanh việc di chuyển lăng và xử lý thi hài Lenin như thế nào.

Chỉ từ sau khi Putin trở thành tổng thống, thì cuộc tranh luận trên mới dần dần im hơi lặng tiếng. Cá nhân Tổng thống Putin không hề giấu giếm lòng tôn kính của mình đối với Lenin, hơn nữa ông còn cổ vũ người dân Nga “hãy tự hào với tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản Nga”. Chưa đầy một năm sau trên cương vị tổng thống Nga, Putin đã phát biểu: ông không muốn thi hài Lenin bị mang đi hỏa táng, mà “cần phải bảo vệ sự yên tĩnh của Người”.

Cuối năm 2003, các nhân viên bảo vệ và các nhà khoa học đã tạm đóng cửa lăng để tiến hành bảo dưỡng thi hài và thay y phục của Lenin. Bakesov, người phụ trách lăng đã ra ra tuyên bố nhấn mạnh: “Thi hài Lenin vẫn được bảo quản rất tốt, ít nhất trong vòng hơn 100 năm nữa vẫn không có chuyện gì xảy ra”.


(Theo ANTG,Bee)