- Nếu như đảo chìm Đá Tây được ví như thành phố hoa đăng giữa biển thì đảo nổi Trường Sa Đông lại trùm một màu xanh bạt ngàn: xanh của bàng vuông, phong ba, tra biển; xanh ngợp của những vườn rau tốt bời bời trên đảo.

Gần như duy nhất, Trường Sa Đông là đảo tự chủ được rau xanh, không những thế, Trường Sa Đông còn chia sẻ rau xanh cho các đảo khác, nếu như có tàu công tác giữa các đảo đi qua.

Màu xanh của những vườn rau, những giàn mướp, giàn bầu, giàn bí… trên đảo Trường Sa Đông có lẽ… lấn át cả màu xanh quen thuộc của những cây bàng vuông, tra biển.

Là đảo nổi cấp 3 (xếp theo độ lớn), Trường Sa Đông có quỹ đất khá rộng. Sự ưu đãi của tự nhiên đã giúp Trường Sa Đông có điều kiện để làm… VAC trên đảo, một mô hình mà bất cứ đảo nào trên quần đảo Trường Sa cũng mơ ước!

Vừa bước chân lên cầu tầu, đi chừng trăm bước chân, chúng tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp một vườn rau bên mé tay trái, liền kề với hàng cây bàng vuông chạy theo một hàng dọc vào đến trung tâm của đảo: một giàn bầu bí quấn quýt, la đà trên một chiếc giàn được bắc kiên cố.

Những quả non bắt đầu nhú nằm xen kẽ trong những đọt lá. Bên cạnh, nhiều quả đã to như những chú lợn con treo lủng lẳng tưởng như kéo trĩu cả một góc giàn.

Ngay bên dưới giàn bí kiên cố là vạt đất trồng rau: rau muống, rau dền… được trồng thành những hàng thẳng thớm, bốn xung quanh vườn rau được che kín bởi đám tôn lá, những mảnh gỗ ghép… hay gạch xếp.

Đó là biện pháp thủ công gần như duy nhất để chống gió biển và muối mặn xâm thực vào đám đất ngọt trồng rau xanh trên hầu hết các đảo ở Trường Sa.

Khu vực “sân sau” của dãy nhà chỉ huy, nhà chiến sỹ là mô hình… chuồng trại kiên cố và được quy hoạch riêng biệt: chuồng nuôi gia cầm bao gồm gà, vịt ngan ngỗng; một dãy chuồng nuôi lợn theo kiểu chuồng nổi sạch sẽ và thoáng mát. Phân gia súc, gia cầm được ủ để làm phân bón cho rau… Tất cả đều được khép kín, thực sự khoa học và tiết kiệm.

Nhiệm vụ tăng gia được nhân rộng và phổ biến trên toàn đảo. Các chiến sỹ ngoài thời gian quân lệnh có thêm nhiệm vụ tăng ca chăn nuôi, trồng trọt. Sức người đã khiến đất cằn phải cho quả ngọt.

Màu xanh của rau xanh, mồng tơi, bầu, bí… hiện diện ở tất cả mọi ngóc ngách trên đảo, đến mức, chúng tôi phải tự dè chừng, chẳng may đi đứng “nghênh ngang” sẽ rất dễ… cụng đầu bởi một trái bí treo tòn ten từ chiếc giàn bên trên mà không hay biết.

Một đàn gà con lích chích theo mẹ đi kiếm ăn, vẩn vơ trốn nắng dưới một bụi tra sát mép biển. Mấy chú ngan già hiền lành lạch bạch đi lại trong chuồng. Một anh trống choai mơ ngủ phành phạch vỗ cánh rồi rướn cổ gáy một hồi cụt lủn, khiến dàn đồng ca gà trống ở các chuồng cạnh bên đồng loạt hưởng ứng. Nhưng dường như, lũ gà có to mồm đến đâu đi nữa cũng không đủ sức đánh thức mấy chú lợn béo híp mắt đang mê mệt ngủ…

Những chiếc lá mồng tơi to bằng hai bàn tay trên đảo Trường Sa Đông khiến cánh quay phim thi nhau ghi hình. Ở một chỗ khác, các nữ nhà báo mê mệt với những giàn mướp, giàn bí rủ từ trên cao xuống, tròn trịa và mũm mĩm như đàn lợn con…

Tôi chỉ ước, nếu có một cái ao ở đây, những giàn mướp, giàn bí này chắc chắn sẽ được bắc ra mé ngoài mặt ao, để đám bầu, bí, mướp trổ hoa nhuộm vàng ruộm cả một góc; liền kề đó sẽ là một cây ổi thóc ba chạc cho tôi mắc võng trốn nắng giữa trưa hè…

Nếu như thế, Trường Sa Đông đã hệt như trong đất liền, cũng xanh tươi và trù phú như quê ngoại tôi – một làng quê nằm giữa cánh đồng, và xanh tươi như một ốc đảo.

Tôi ghi vội vào cuốn sổ nhật ký hành trình: Trường Sa Đông, rau xanh, chuồng trại, mô hình VAC giữa biển… để lại vội vàng đi… đếm những quả lúc lỉu đang rủ xuống từ một giàn bí khác.

Rau xanh trên đảo Trường Sa Đông.

 

 

 

 

 

Hình ảnh chiến sỹ trẻ Liêu Kim Tiến, trong lúc rảnh rỗi đã có những cử chỉ thân thương với giàn bầu mà tự tay em chăm sóc.

 

 

 
 

 

Khu vực chăn nuôi được quy hoạch ở một góc trên đảo Trường Sa Đông.

Kiên Trung