Các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) vừa tiết lộ việc triển khai chủng ngừa vắc xin của Anh có thể đã bắt đầu ngăn chặn virus lây lan. Họ nhận thấy nguy cơ lây nhiễm ở những người được tiêm vắc xin Oxford - AstraZeneca giảm tới 67%.

Như vậy, những người được tiêm không chỉ có ít nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong mà còn được bảo vệ chống lại việc nhiễm virus và truyền cho người khác.

{keywords}

Vắc xin bắt đầu phát huy tác dụng

Hơn 9,6 triệu người Anh đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên. Các chuyên gia cho hay, một mũi tiêm đạt hiệu quả bảo vệ 76%. 

“Đây là tin tức mà tất cả chúng ta đang chờ đợi. Nếu dữ liệu này chính xác thì hôm nay sẽ được coi là bước ngoặt trong đại dịch Covid-19", một vị bộ trưởng của Anh khẳng định.

Trước đó, dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin AstraZeneca - Oxford có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ trở nặng. Các nhà nghiên cứu chưa khẳng định được vắc xin có làm giảm sự lây nhiễm hay không.

Tiến sĩ Andrew Pollard cho rằng vắc xin Oxford - AstraZeneca có thể tác động lớn đến sự lây lan bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận kết luận này dựa trên những dữ liệu trước khi có các biến thể mới xuất hiện.

Dù vậy, ông Pollard vẫn lạc quan: “Ngay cả khi virus tiến hóa để có thể tiếp tục lây truyền, điều đó không có nghĩa chúng ta không có biện pháp chống lại”. 

“Các biến thể mới đang có những thay đổi cho phép chúng tránh phản ứng miễn dịch của con người. Theo thời gian, virus sẽ tìm cách thích nghi và tiếp tục lây giữa người với người bất chấp miễn dịch tự nhiên hoặc từ vắc xin”, ông Pollard nói. 

Nghiên cứu cũng cho thấy vắc xin thực tế hiệu quả hơn với khoảng cách tiêm các liều dài hơn.

Một liều vắc xin duy nhất có hiệu quả 76% từ 22 đến 90 ngày sau khi tiêm.

Con số này giảm xuống còn 55% khi tiêm liều thứ 2 chưa đầy 6 tuần sau đó.

Nhưng hiệu quả tăng vọt lên 82% khi 2 lần tiêm cách nhau 12 tuần hoặc hơn.

Kết luận này được đưa ra sau cuộc tranh luận gay gắt trên toàn cầu về sự chậm trễ giữa 2 lần tiêm.

Chính phủ Anh lên kế hoạch tiêm mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 12 tuần. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết phát hiện trên rõ ràng đã ủng hộ chiến lược của Anh trong việc trì hoãn tiêm mũi thứ 2.

Ông Hancock nói: “Báo cáo của Oxford là một tin rất tốt, ủng hộ chiến lược mà chúng tôi đã thực hiện và cho thế giới thấy rằng vắc xin Oxford hoạt động hiệu quả”.

“Không chỉ làm giảm số ca nhập viện - không có người nào phải nhập viện vì Covid-19 sau khi tiêm vắc xin - mà vắc xin còn làm giảm số người mắc Covid-19 xuống còn 2/3, kể cả bệnh nhân không có triệu chứng”.

An Yên (Theo BBC, The Sun)

Lý do một số người nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vắc xin

Lý do một số người nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vắc xin

Các chuyên gia khẳng định hiện tượng vẫn mắc Covid-19 dù đã chủng ngừa không có gì bất thường.