- Tác phẩm kinh điển này đã được Việt hóa đầy sáng tạo dưới dạng nhạc kịch và đang chờ công diễn. Tuy nhiên, đáng tiếc là NSND Trần Hiếu bất ngờ lâm bệnh và không thể tham gia. 

Dựa trên nguyên tác văn học nổi tiếng Notre dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) viết năm 1831 của đại văn hào người Pháp Victor Hugo, nhạc sĩ Huy Tiến  đã dành hơn 30 năm âm thầm biên soạn một vở nhạc kịch với phần âm nhạc và lời hát hoàn toàn mới. 

{keywords}
"Thằng gù nhà thờ Đức Bà", phiên bản nhạc kịch nổi tiếng của Pháp.

Say mê câu chuyện tình bi thảm và đầy tính nhân văn về nàng vũ nữ xinh đẹp Esméralda và anh gù Quasimodo, năm 1982 nhạc sĩ Huy Tiến (từng đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999) bắt đầu đặt bút viết nên những bài hát mang màu ca kịch và nối dài chúng thành trường đoạn, thành màn. Với công chúng yêu âm nhạc, đây thực sự là một tác phẩm thú vị, làm giàu thêm cho hình thức nhạc kịch còn rất mới mẻ, thiếu thốn ở Việt Nam. 

Vì nhiều lý do khác nhau, trong vòng hơn 30 năm qua, vở nhạc kịch này chưa bao giờ được dựng đầy đủ. Theo lời nhạc sĩ Huy Tiến, sau khi ông viết xong, NSND Quý Dương (lúc đó đang là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) đã từng rất hứng thú với nhạc kịch tiếng Việt "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà". NS Quý Dương đã có ý dựng vở tại Hà Nội nhưng không thành vì quyết định về hưu đến với ông khá gấp. Năm 1986, vở nhạc kịch này cũng từng được thử dựng với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, một số đoạn đã được thu âm trực tiếp còn lưu trữ lại. 

Sáng 2/1, trong buổi họp báo ra mắt vở nhạc kịch này tại TP.HCM, một số nghệ sĩ tham gia đã hát các đoạn nhạc ngắn để giới thiệu với báo chí. Bất ngờ nhất là phần lời hát bằng tiếng Việt. Chúng đã được viết khá sáng tạo, đầy tính trữ tình, tạo ra được bối cảnh và nội dung văn học. Chưa phải là các khúc nhạc dày dặn nhưng giai điệu cũng rất truyền cảm và có tính đối đáp, thêm màu sắc tâm lý cho nhân vật. Người nghe đã mường tượng về một tổng thể có chất kịch, chất thơ - một câu chuyện có khả năng gặp gỡ, giao cảm với khán giả đại chúng. 

{keywords}
Esméralda và đức cha si tình Frollo

Do dựng vở trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn, nên vở diễn bao gồm cả các diễn viên chuyên nghiệp và một số diễn viên không chuyên. Sáng giá nhất trong số  đó phải kể đến NSƯT - Thạc sĩ Duy Tân (nguyên trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM) trong vai Quasimodo, NSƯT Cao Minh trong vai đức cha Frollo. Các nghệ sĩ khác cũng rất tròn vai, diễn ra màu sắc và tính cách nhân vật, như vai Vua ăn mày Cleopin (ca sĩ Phan Hoàng), Esméralda (ca sĩ Thanh Huyền), Đại úy Phoebus (ca sĩ Phi Sơn)...

{keywords}
NSND Trần Hiếu, vai nhà thơ dẫn chuyện, bất ngờ lâm bệnh trước khi vở công diễn, khiến đạo diễn phải cắt bỏ các khúc do ông hát và không có người thay thế.

Vở diễn được dẫn đắt từ giọng hát trầm buồn của một nhà thơ nghèo, khi lang thang đến Paris, ông trở thành nhân chứng cho tình sử bi thương của các nhân vật đang hiện hữu. Vai diễn nhà thơ dẫn chuyện này lẽ ra thuộc về NSND Trần Hiếu, nhưng hiện ông đang lâm bệnh nên không thể tham gia. Đây quả là một điều đáng tiếc khi giọng hát của ông được khán giả vô cùng trông đợi. 

Theo lời nhạc sĩ Huy Tiến, nếu dựng đầy đủ theo tổng phổ của ông, vở nhạc kịch sẽ kéo dài 2 tiếng rưỡi. Trong đêm diễn sắp tới vào ngày 13 & 14/01/2014 tại sân khấu Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, đạo diễn Phan Điền sẽ dựng vở ở dạng rút gọn với 2 màn chính và tổng thời lượng 90 phút. 

Hồ Hương Giang