Trong ngót 30 năm qua, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã tiến hành ứng dụng thành công công nghệ chiếu xạ vào nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau, trong đó có tiệt trùng các loại thực phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Vải thiều là một trong những đối tượng điển hình.
Trên con đường 32 Hà Nội đi Sơn Tây, qua cầu Diễn, đến Km 12 nhìn về phía tay trái sẽ thấy một khu nhà hai tầng xinh xắn (các phòng thí nghiệm bổ trợ, văn phòng…) và một ngôi nhà mái tròn (thiết bị chiếu xạ) kín đáo, đó là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (TTCXHN).
Khu nhà thuộc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội |
Trung tâm Chiếu xạ Hà nội ban đầu là một cơ sở của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, được xây dựng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, từ năm 2007 trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử VN. Cơ sở vật chất kỹ thuật chính ở đây là Thiết bị chiếu xạ gamma Co-60, Thiết bị gia tốc Cyclotron 13 MeV và Hệ điều chế tổng hợp dược chất FDG dùng trong Y tế.
Cho đến nay, ứng dụng nhiều năm và có hiệu quả nhất ở TTCXHN là hệ thiết bị chiếu xạ dùng nguồn phóng xạ gamma Co-60. Khoảng 20 năm trước đây nguồn này có cường độ phóng xạ tổng cọng gần 100 Kilo Curie (KCi) rồi giảm dần theo thời gian, gần đây đã thay thế và nâng cấp đến 170 KCi.
Chiếu xạ thực phẩm, công nghệ “lành”
Không ít người băn khoăn về ảnh hưởng phóng xạ do sử dụng thực phẩm chiếu xạ đến sức khỏe người dùng. Câu trả lời ngay là cơ thể người dùng không chịu ảnh hưởng trực tiếp của tia xạ gamma phát ra từ nguồn chiếu Co-60. Vì quy trình chiếu xạ thực hiện như sau: Một hộp đựng các vật phẩm cần chiếu xạ (hoa quả, thực phẩm hay các vật liệu cần nghiên cứu khác) được kéo qua một buồng chiếu xạ bằng băng chuyền. Tùy theo loại vật phẩm và mục đích chiếu xạ, liều chiếu hay thời gian chiếu được xác định trước, đồng thời được đo bởi các liều kế gắn với các hộp chứa vật phẩm.
Như vậy, các vật phẩm không hề tiếp xúc với chất phóng xạ Co-60, chỉ được lướt qua chùm tia phóng xạ tương tự đi qua một luồng ánh sáng rộng trong một khoảng thời gian định trước.
Vậy chiếu xạ mang lại những lợi ích gì cho hoa trái, thực phẩm? Nếu biện pháp đông lạnh chỉ có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật thì chiếu xạ gây tổn thương tính di truyền (phân tử AND) làm mất khả năng sinh sản của vi sinh vật. Như vậy, sau khi chiếu xạ, các vi sinh vật gây bệnh cho người và các vi sinh vật gây hại cho thực phẩm bị bất hoạt, điều này có nghĩa là chiếu xạ giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Cũng cần bổ sung thêm, quá trình tương tác giữa bức xạ và thực phẩm chỉ tạo ra một lượng nhiệt không đáng kể nên chiếu xạ diệt được vi khuẩn nhưng không làm chín, không làm mất các chất dinh dưỡng và không làm biến dạng bao gói thực phẩm bằng plastic... tạo thuận lợi cho khâu lưu trữ, phân phối, xuất khẩu thực phẩm tới các thị trường xa, trái thời vụ.
Chính Uỷ ban hỗn hợp giữa FAO, WHO và IAEA, năm 1980 đã khẳng định chiếu xạ không làm giảm dinh dưỡng trong thực phẩm. Sự thay đổi các giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm chỉ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: liều lượng bức xạ, loại thực phẩm, chất liệu bao gói và các điều kiện xử lý (nhiệt độ trong thời gian chiếu xạ và lưu kho sau chiếu xạ).
Phần lớn các yếu tố trên cũng xuất hiện trong các phương pháp bảo quản thực phẩm khác đã và đang sử dụng. Trong “10 Qui tắc vàng” của WHO cho việc lựa chọn và dùng thực phẩm thì Qui tắc thứ nhất là lời khuyên “hãy chọn thực phẩm đã được xử lý đảm bảo an toàn”, và trong các phương pháp bảo đảm an toàn hiện có “nên chọn thực phẩm xử lý bằng bức xạ”.
Như vậy chiếu xạ thực phẩm được xem là công nghệ lành, vì vậy nhiều nước như Israel, Mỹ, Úc, nhiều nước châu Âu … yêu cầu các loại sản phảm hoa quả nhập khẩu phải được kiểm dịch bằng bức xạ. Nhiều nước khác như Hàn Quốc, New Zealand và một số nước châu Âu không yêu cầu bắt buộc như vậy nhưng chấp nhận biện pháp kiểm dịch bức xạ.
Dĩ nhiên, riêng xử lý chiếu xạ cũng như các biện pháp khác đều không thể bảo quản vĩnh viễn hoa quả tươi, nên việc phối hợp các biện pháp khác nhau thường được áp dụng.
Vải thiều Bắc Giang chiếu xạ xuất khẩu
Vải thiều ở Bắc Giang chất đầy trong mùa chin rộ. |
Vải thiều, một loại quả nhỏ có vỏ sần và phần cùi trắng dày với hương vị thơm ngon đặc biệt, nổi tiếng trong và ngoài nước là loại quả trồng phổ biến ở Việt Nam và ngày càng tăng diện tích ở vùng đất đồi trung du miền Bắc, đặc biệt tỉnh Bắc giang. Ở tỉnh này, theo số liệu TTCXHN lấy từ Sở Công thương Bắc Giang, tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh đã đến con số khoảng 32-33.000 ha và đạt tổng sản lượng khoảng 200-250.000 tấn mỗi năm.
Gần đây, việc xuất khẩu sang Trung quốc kế cận, do nhiều lý do bị ngưng trệ nên con đường xuất khẩu vải thiều sang các nước khác xa hơn đã mở rộng. Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu châu… tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo chuẩn chặt chẽ, đạt khoảng 8-10.000 ha trồng vải với chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Nhưng để đưa quả vải đến thị trường các nước khó tính và ở xa trên đây, nhằm bảo quản quả vải đảm bảo chất lượng và không làm phát tán dịch bệnh, côn trùng, hai phương pháp có thể được áp dụng là sấy khô và bảo quản tươi đông lạnh, tuy nhiên thời gian bảo quản chỉ đủ để xuất khẩu qua biên giới với các quốc gia lân cận mà thôi. Hơn nữa việc bảo quản tươi chỉ là giữ ở nhiệt độ thấp không kiểm soát hoàn toàn côn trùng. Như vậy, biện pháp xử lý chiếu xạ để kiểm soát hoàn toàn các loài sâu bệnh theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các quốc gia nhập khẩu trở thành tối ưu.
Các nhà khoa học thuộc TTCXHN đã áp dụng biện pháp chiếu xạ gamma dưới liều 400 Gy, kết hợp các biện pháp xử lý hóa chất và giữ ở nhiệt độ thấp để bảo quản quả vải tươi, kết quả cho thấy hoàn toàn không xuất hiện sâu hại như mẫu đối chứng, việc kết hợp nhúng dung dịch hóa chất bảo quản carbendazim (CBZ) và giữ lạnh ở nhiệt độ khoảng 12°C có thể tăng thời gian bảo quản quả đến 3 tuần, song nếu không nhúng hóa chất, chỉ sau 10 ngày đã xuất hiện các đốm đen trên vỏ quả do sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, nấm mốc gây thối hỏng, có thể phát triển ở nhiệt độ.
Gần đây, đã tiến hành chiếu xạ với liều chiếu tăng lên, khoảng 400 Gy (đại lượng chỉ liều chiếu tổng cọng) trên nguồn Co-60 của trung tâm kết hợp làm lạnh ở 4°C. Như vậy, ngoài việc kiểm soát hoàn toàn các loại côn trùng hại quả đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật, còn giúp kéo dài thời gian bảo quản quả đến 20 ngày. Thời hạn 20 ngày đó đảm bảo được thời gian vận chuyển giới hạn trong 15 ngày và 5 ngày lưu thông trong siêu thị, tức đáp ứng về cơ bản yêu cầu của các nước nhập vải thiều từ Việt Nam. Đặc biệt, các quốc gia xem chiếu xạ là biện pháp kiểm dịch bắt buộc như Hoa Kỳ, Israel, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và một số nước châu Âu.
T.M.