Nam trung bộ là khu chịu ảnh hưởng lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân trong vùng vượt qua được sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích 979,21 ha, cho các loại cây trồng như: Mía, cây ăn quả (Nho, Táo, Mãng cầu,...), cỏ chăn nuôi, cây rau màu các loại (rau ăn lá, ớt, hành, măng tây,...). Đặc biệt, mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cho hệ thống tưới tiết kiệm (súng phun mưa) trên cây mía (bảo đảm tưới suốt vụ) với quy mô 300 ha tại xã Quảng Sơn đã nâng năng suất mía lên 80 tấn/ha (tăng 33% so với tưới truyền thống).

{keywords}
Vai trò của đổi mới, sáng tạo trong hành trình xây dựng nông thôn mới

Hay như, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch bảy vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu với diện tích 500 ha. Hằng năm, Đà Nẵng thu lợi từ 100 triệu đến hàng tỷ đồng từ sản xuất lúa hữu cơ, rau sạch công nghệ cao đạt chuẩn VietGAP, trồng hoa lan, dưa lưới.

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, những năm qua mặc dù hiện tượng lũ lụt, bão và hạn hán liên tục xảy ra và diễn biến phức tạp, nhưng nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt là trong trồng trọt nên năng suất một số cây trồng chính liên tục tăng, năng suất lúa tăng 9,7%, ngô tăng 13,7%, sắn tăng 15,9%.

Đồng thời, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất nông nghiệp nên nhiều mô hình sản xuất mới đã được triển khai đã nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, cơ giới hóa trong sản xuất...

“Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên sẵn có, nâng cao hiệu quả việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất và đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cần có những thể chế, cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.”- PGS.TS. Trịnh Khắc Quang chia sẻ.

Ngoài ra, các địa phương cần phải xác định nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp là tất yếu. Cần có những tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về nền nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ thay thế nền nông nghiệp truyền thống, góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý (công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón và quản lý dịch hại tổng hợp).

Đồng thời, từng địa phương cần có những quy định và sự vào cuộc của các cấpchính quyền để có sự rằng buộc trong chuỗi liên kết sản xuất 4 nhà để phát huy hết khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong quy hoạch vùng sản xuất cũng cần có sự phù hợp từng đối tượng, từng điều kiện sinh thái và lựa chọn tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội của địa phương để có thể đưa nông nghiệp công nghệ cao tiến xa hơn.

Bài: Bích Hạnh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV