Việt Nam từ một đất nước thiếu ăn, cách đây ¼ thế kỷ, chúng ta trở thành “cường quốc” xuất khẩu lúa gạo. Có thể nói đó chính là thành quả của đổi mới nông nghiệp, nông thôn.
Các nay vài năm, trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, Báo Vietnamnet, TS. Đặng Kim Sơn chia sẻ, nếu công cuộc đổi mới của chúng ta thời gian qua không thành công thì khó hình dung tình hình hôm nay đã diễn biến thế nào! Nhìn chung, nhờ công cuộc đổi mới mở đầu từ ngành nông nghiệp mà kinh tế phát triển, đời sống nhân dân tăng lên, cánh cửa mở rộng với quốc tế, uy tín và độ tin cậy của Việt Nam với thế giới cũng tăng theo.
So với 12 nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây thì Việt Nam và Trung Quốc là mô hình Đổi mới thành công nhất và cả hai nước đều khởi đầu đổi mới từ lĩnh vực nông nghiệp, từ địa bàn nông thôn.
Nhìn sâu vào bức tranh đổi mới, mảng sáng nhất là mảng nông nghiệp. Tại sao như vậy?
Cái ai cũng có thể thấy rõ là nhờ sự phát triển của nông nghiệp mạnh mẽ, lương thực, thực phẩm không còn là vấn đề đáng lo. Người Việt Nam giờ đây không còn lăn tăn chuyện đói nữa. Nỗi lo bây giờ khác xưa rất nhiều. Đây là cái lo của người đã đủ ăn đủ mặc như lo về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Khác xa cái lo ngày xưa.
Nói về kinh tế thì quá rõ. An ninh lương thực của ta được đảm bảo, từ nước đói kém phải nhập gạo triền miên chuyển hẳn sang nước xuất khẩu mạnh. Trong khi các ngành kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ… được bảo vệ, ưu tiên đầu tư nhưng không ngành nào tạo ra sức mạnh về xuất khẩu đồng thời có sức lan tỏa trong nội địa; trừ vài ngành khai thác tài nguyên như như dầu mỏ, than đá và một số gia công. Riêng nông nghiệp khác hẳn, giá trị gia tăng đóng góp cho nội địa là cao nhất, tỷ lệ lên tới 50 – 70% trong khi các ngành khác chỉ dưới 10%.
Ngành nông nghiệp cũng là ngành duy nhất xuất khẩu đạt 31 tỷ USD và cũng là ngành duy nhất xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, trong khi cả nước luôn nhập siêu.
Điều quan trọng hơn, Đổi mới nông nghiêppj đã tạo ra sự đột phá về tư duy cho Đổi mới toàn diện trong khi trận địa của cơ chế kế hoạch đang tồn tại và đứng vững khắp nơi. Điểm đột phá bước vào cơ chế thị trường nhắm vào khâu lạc hậu nhất, phá cơ chế hợp tác xã, đưa kinh tế hộ trở lại.
Từ đây, mặt trận thị trường lan rộng ra, bỏ ngăn sông cấm chợ trên toàn quốc, mở ra tự do hóa thương mại, tiến tới mở cửa hội nhập quốc tế. Đột phá từ đồng ruộng cho đến nông dân, lan từ nông thôn ra thành thị, đến nhà máy, công xưởng. Và, cho đến hôm nay, đột phá từ nông nghiệp đã lan truyền đến tận các tập đoàn nhà nước, thay đổi dân chủ từ cơ sở, đụng chạm đến cải cách thể chế từ bên trên.
Cho nên, đóng góp vô cùng quan trọng của đổi mới nông nghiệp không chỉ vấn đề kinh tế. Quan trọng nhất, đóng góp lớn nhất là đổi mới nông nghiêppj đã đột phá đến tư duy để chúng ta thấy rằng, “đối tượng” chính cần giải phóng là cơ chế thị trường.
Yến Hưng