Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 16,1% số cơ sở được kiểm tra); đã xử lý 6.324 cơ sở (chiếm 15,65% số cơ sở vi phạm), tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10,32%), trong đó phạt tiền 6.052 cơ sở với số tiền 24,73 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp đã thanh tra 6.879 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 743 cơ sở (chiếm 10,8%), tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10,17%) với số tiền phạt 6,8 tỷ đồng (tăng so với năm 2022 (5,05 tỷ đồng).
Bộ Công Thương đã kiểm tra 3.156 vụ, xử lý 2.594 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt 12,458 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm: 15,486 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 4.192 vụ với 3.852 cá nhân và 345 tổ chức vi phạm; khởi tố 13 vụ và 7 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 3.828 vụ 3.527 cá nhân và 321 tổ chức, tổng tiền phạt vi phạm hành chính là 24,825 tỷ đồng.
Đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc quản lý của Bộ Y tế có 12.382 lô hàng đăng ký kiểm tra, 100% kết quả kiểm tra đạt; 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được kiểm tra về ATTP.
Từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 21/6/2023, toàn quốc ghi nhận 57 vụ ngộ độc thực phẩm làm 864 người mắc và 13 trường hợp tử vong, đáng chú ý xuất hiện ngộ độc do Clostridium Botulinum là loại độc tố rất hiếm gặp trước đây.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng.
Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đã được đẩy mạnh, tăng cường về số lượng, đa dạng hóa các hình thức, thực hiện thường xuyên liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân. Việc kết hợp giữa tuyên truyền mang tính chất khuyến khích, hướng dẫn với tuyên truyền mang tính răn đe đã phát huy hiệu quả công tác truyền thông về ATTP.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm để thực hiện không đúng quy định tự công bố chất lượng sản phẩm như không gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý địa phương; công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm mình sản xuất. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm.
Một số phụ gia thực phẩm nhập khẩu bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích công bố ban đầu. Nhiều doanh nhiệp không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiếm tra, hậu kiểm (tỉ lệ có nơi lên đến 80%).
Trong khi đó, lực lượng chức năng không có đủ nguồn lực để kiểm tra hậu kiểm sản phẩm tự công bố đang ngày càng nhiều và phong phú (riêng TPHCM là 200.000 sản phẩm).