Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã nói về những cảm nhận của mình về văn của Đỗ Phấn như thế nhân dịp ra mắt sách "Rong chơi miền ký ức" của ông.
Khoảng chục năm trở lại đây, Đỗ Phấn xuất hiện như thật quen thật lạ với những tác phẩm viết về Hà Nội, ông truyền cảm hứng để người người yêu Hà Nội hơn nhưng cũng quên bày tỏ nỗi lo dành cho thành phố thân yêu, thông qua ký ức.
Từ tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết đều hiển hiện một Hà Nội đăm đắm tình yêu xưa, đều như tiếng thở dài chua xót của một người bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho sự đổi thay xấu xí của sự vật, con người Hà Nội nay, mà chẳng thể ngăn chặn, chẳng thể can thiệp và đau đớn nhất là chẳng thể bỏ đi, rời xa nơi chốn chôn nhau cắt rốn của mình. "Rong chơi miền ký ức" - Tác phẩm vừa ra mắt của Nhà văn, hoạ sĩ Đỗ Phấn cũng là một tác phẩm như thế.
Nhà văn Đỗ Phấn cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong buổi ra mắt sách |
Nhà văn Lê Minh Khuê cảm nhận rằng mỗi tác phẩm của Đỗ Phấn là một chân dung tinh thần của chính nhà văn. Trong các tác phẩm của mình, Đỗ Phấn luôn tìm tòi, mong muốn một cách tha thiết thể hiện mọi điều tốt đẹp từ cuộc sống.
“Văn Đỗ Phấn không gây sốc. Ông ấy không viết được về những điều thô tục. Tha thiết yêu Hà Nội, ông chỉ viết về cái đẹp Hà Nội xưa, ông vẽ ra những cái đẹp để chúng ta thêm yêu mà giữ lại những nét đẹp ấy…”, nhà văn Lê Minh Khuê đánh giá.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lần đầu đọc văn của Đỗ Phấn và đọc đầu tiên cuốn "Rong chơi miền ký ức" đã phải thốt lên rằng, đây là cơ hội "vàng" để cô chạm tay vào ký ức tinh tuý của một thời mà không có cách gì mà mình có thể biết được. Cô đọc một cách hào hứng và lộn xộn.
"Cảm giác sung sướng khi có cơ hội cùng rong chơi vào ký ức của con người có chiều sâu và tiếng văn lớn, biết được những ngóc ngách đáng yêu, đáng quý của Hà Nội. Đọc văn của Đỗ Phấn thấy quẩn quanh rượu, đàn bà và Hà Nội nhưng có lẽ Hà Nội vẫn là chủ đề chính ông đề cập", Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lại cho rằng, Đỗ Phấn đã viết về Hà Nội bằng nỗi lo Hà Nội sẽ mất đi, không phải về mặt địa chí mà là một cái gì đó rất mơ hồ nhưng lại rất cụ thể - sự mất mát về văn hóa.
Nhà văn Đỗ Phấn kiệm lời trong buổi ra mắt sách, ông để các bạn văn của mình nói, nhưng ông khẳng định rằng, dù vẽ hay là viết, đích cuối cùng của ông vẫn là tìm đến cái đẹp, cái thẩm mỹ nhân văn của cuộc sống.
"Cuộc sống những năm bao cấp khốn khó, ra trường đúng thời điểm đó nên tôi cứ phải tập trung vào kiếm sống. Hơn 30 năm cầm bút vẽ, hiện giờ cuộc sống tương đối ổn định tôi mới nghĩ đến chuyện khác, lôi lại điều mình đã trải nghiệm và viết lại. Tôi viết xả chữ như vậy bởi thứ văn dễ hiểu, chân thực, tất nhiên không hẳn sự thật hoàn toàn. Nghề chính của tôi là mỹ thuật nên có điều kiện đi khá nhiều chỗ, gặp nhiều người. Thay vào các nhà văn ghi chép bằng chữ, tôi ghi chép bằng hình ảnh, lợi thế là nhanh, một bức vẽ ký họa hình nhìn vào nó tôi nhớ ra cả một câu chuyện dài. Khi viết lại hình thì dung dễ khiến câu chuyện trơn tru dễ dàng.
Dù vẽ hay viết thì mục đích cuối cùng của tôi cũng là tìm đến cái đẹp, cái thẩm mỹ, cái nhân văn của cuộc sống. Nhất là Hà Nội hôm nay có phần mất mát, xô lệch quá, chẳng còn giữ được bao nhiêu. Là người con Hà Nội, tôi thấy mình cần có trách nhiệm phải lưu giữ những nét đẹp của Hà Nội mà mình đã may mắn được trải qua, khi mà thời gian làm nó bị pha loãng bằng muôn nghìn cách", nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ.
T.Lê