Cách đây đúng 864 năm vào mùa xuân năm Tỵ (1149), vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn - đánh dấu sự ra đời của thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam. 

Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại như sau: “Kỷ Tỵ (Đại định) năm thứ 10 (1149), thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lộc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương” ( Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, H.1976, tr337). 

Đứng ở địa đầu, cửa ngõ vùng đông bắc, Vân Đồn giữ vị trí quan trọng trong cả giao thương lẫn quân sự. Ngay ngày lập cảng, Vân Đồn đã hết sức sầm uất, thuyền bè vào ra tấp nập; nhiều hơn cả là thuyền buôn Trung Quốc đến giao dịch, buôn bán với Việt Nam. Đến thời Trần, Vân Đồn vẫn giữ là một thương cảng quan trọng đón thuyền bè Trung Quốc, Gia Va và thuyền một số nước ở vùng Nam Dương, Ấn Độ tới buôn bán.

Sau khi nhà Nguyên thống trị Trung Quốc thay nhà Tống, người Hồi giáo ở vịnh Ba Tư, thương nhân từ vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã tấp nập qua lại bến Vân Đồn mua bán hương liệu, đồ gốm sứ. Phẩm vật Trung Quốc cũng được chuyển sang nước ta để trao đổi hàng hóa tại đây hay xuất đi nơi khác. Vì thế, Vân Đồn trở thành "kho hàng", là trung tâm giao dịch bao gồm cả phía Nam Trung Hoa (Quảng Đông, Phúc Kiến...).

Theo dòng chảy thời gian và những tác động của lịch sử, thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16, sang thế kỷ 17, 18 thì giảm dần vai trò sau khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ nhà Lý đến nhà Lê, nhất là từ Lê Thánh Tông  trở đi, triều đình đã quy định  rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là luật Hồng Đức). 

Theo quy định, tàu nước ngoài dù là nước nào, xa hay gần đã vào cảng đều phải neo đậu ở Vân Đồn. Hàng hóa nước ngoài nhập vào Đại Việt chủ yếu là gấm vóc và những hàng hóa mà Đại Việt có nhu cầu được chuyển sang thuyền (tàu) của các trang  để đưa về kinh và lấy hàng của Đại Việt ra bán hoặc trao đổi cho nước ngoài. Triều đình quyết định như vậy bởi hai lẽ: Sông Đại Việt nhỏ, nông, tàu thuyền nước ngoài to không đi lại được. Nhưng quan trọng hơn là yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia. 

Theo sách Đại di chí lược của Uông Đại Uyên, thuyền buôn “không được đi tới nơi quan trường vì sợ người nước ngoài dò la tình hình”. Vậy nên, Vân Đồn trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của những Đại Việt với bên ngoài. Đầu thời Trần, triều Trần đã cử Trần Khánh Dư làm phó tướng Vân Đồn, uỷ quyền cho việc biên vụ. Năm 1349, nhà Trần đặt trấn quan, lộ quan, sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển) ở trấn Vân Đồn, lại đặt một đội quân trấn giữ ở đây, gọi là Bình hải quân.

Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã quan tâm nghiên cứu thương cảng Vân Đồn trong hành trình của “Con đường tơ lụa” từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu Âu. Các công trình nghiên cứu đã khẳng định thương cảng Vân Đồn nằm trong quần đảo Vân Hải. Cụ thể là tại bến Cái Làng (Quan Lạn) và Cống Đông, Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn). 

Nơi đây còn dấu tích của  các bến bãi cổ, vương vãi đầy mảnh gốm sứ, sành thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Trong khoảng chục năm trở lại đây, có nhiều hơn các cuộc nghiên cứu về Vân Đồn của các nhà sử học. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng các nhà sử học đều chung nhận định thương cảng Vân Đồn là một hệ thống hàng chục bến thuyền cổ phân bố trên các đảo, ven bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Vân Đồn, Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên. 

Việc hình thành nhiều bến thuyền có ý kiến cho rằng nhằm san bớt lưu lượng tàu thuyền vào các bến, không tập trung quá đông vào một bến thuyền, đồng thời quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền ngoại quốc và tàu thuyền trong nước, tránh đỗ xen kẽ để dễ bề quản lý.

Việc bố trí khoa học và rộng lớn trên một chiều dài hàng chục km ở nhiều đảo khác nhau đã chứng tỏ được trình độ tổ chức, quản lí, chính sách giao thương rộng rãi của cha ông ta từ thời Lý, Trần. Điều đó đã giúp cho Vân Đồn trở thành một thương cảng sầm uất và là điểm quan trọng của “con đường tơ lụa trên biển” vang danh một thời! Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó, chủ yếu là hương liệu, ngà voi, sừng tê, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu và đồ gốm sứ. Tại các bến thuyền cổ trên đảo Quan Lạn, Cống Đông, các lớp gốm, sứ là các đồ vỡ thương nhân xưa vứt xuống ken dày, có nơi tới gần 1m.

Trên hết, Vân Đồn là thương cảng lớn, vật phẩm trao đổi với thuyền buôn ngoại quốc tại đây có mặt hàng lâm sản, hải sản, hương liệu, lụa là, gấm vóc. Nhưng mặt hàng chủ đạo từ đời Lý đến đời Trần vẫn là đồ sành sứ mà những mảnh vỡ trong khi bốc xếp kết thành từng tầng trên các bến thuyền là một minh chứng. Đồ sứ thời Lý mà men ngọc thanh thoát. Đồ sứ thời Trần màu men nâu khỏe khoắn. Đồ sứ thời Lê màu men làm dịu dàng. Từ cảng Vân Đồn, sứ của nước Địa Việt được đem tới bán tại Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, thậm chí đến tận vùng Đông Âu. Không khí buôn bán tấp nập, sầm uất của thương cảng Vân Đồn tới tận thế kỷ 18.

Thanh Lê