Dân tộc Mông chiếm trên 80% dân số ở huyện Đồng Văn, gồm 19 dòng họ, nhánh dòng họ. Trên các bản làng vùng sâu vùng xa, đặc biệt ở lưng chừng núi cao. Ngoài những nét đẹp truyền thống thông qua các lễ hội, ở những vùng này vẫn còn duy trì rất nhiều các hủ tục, ăn sâu vào đời sống của đồng bào. Hủ tục xuất phát từ đời sống khó khăn, sự nghèo đói, trình độ dân trí thấp, nhất là các bản làng nằm hẻo lánh, xa xôi.

Đơn cử, chuyện tang ma của người Mông. Từ bao đời nay, khi gia đình có người qua đời, bà con, thi thể người quá cố không được cho vào quan tài mà được đặt trên cáng đan bằng tre, treo cao hơn mặt đất khoảng 1m. Khi thầy cúng bấm chọn ngày giờ xong, khi đó sẽ mang thi thể ra tận huyệt mộ để cho vào áo quan, chôn cất. Do để lâu ngày, việc xác bốc mùi là không thể tránh khỏi. Trong khi vẫn trong ngôi nhà đấy, gia đình vẫn duy trì sinh hoạt.

hutuc.png
Hủ tục tang ma cần xoá bỏ

Thêm vào đó, theo phong tục ma chay, 4 ngày đầu tiên gia đình có người quá cố sẽ phải giết 8 con lợn, ngày cuối cùng sẽ giết trâu hoặc bò. Ăn uống cả tuần.

Trước đây, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo không có trâu, bò, phải đi vay hàng chục triệu đồng mua trâu, bò về làm tang lễ cho người thân. Có trường hợp không vay được thì đổi ruộng đất lấy trâu, bò nên sau tang ma, nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn

Nhằm xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu đó, thời gian qua, các địa phương trong vùng có đồng bào Mông sinh sống đều coi việc vận động người Mông bỏ hủ tục là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng nếp sống mới.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng nếp sống văn minh, đặc biệt là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Quan điểm xóa bỏ hủ tục gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững, được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống”; góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc, sức khỏe nhân dân gắn với giảm nghèo bền vững;... ngày 10-5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, giai đoạn 2021-2025; ngày 1-5-2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Giang đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu 75% trở lên các gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán của gia đình, dòng họ.

Đến năm 2030 cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh. Cụ thể trong tiệc cưới hỏi, không còn tình trạng kéo vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những lễ nghi, thách cưới rườm rà, tổ chức nhiều ngày; khuyến khích các hình thức báo hỷ thay cho tiệc cưới; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, nhân viên, người lao động bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, văn minh.

Trong việc tang, vận động nhân dân thay đổi những tập quán rườm rà, tốn kém như đi lễ, trả lễ; không tổ chức việc hiếu quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc. Về tổ chức lễ hội, các địa phương rà soát loại bỏ những nghi lễ rườm rà, phản cảm, mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội.

Bình Minh và nhóm PV, BTV