Người Đức rất thích xe hơi cá nhân. Theo con số thống kê, vào thời điểm đầu năm 2014 có tổng cộng gần 44 triệu xe hơi cá nhân đăng ký lưu hành ở Đức, tức là bình quân có 52 xe trên 100 người, hơn nhiều nước khác, tuy mật độ không thể cao như Ý (60 xe trên 100 người) hoặc Mỹ (74 xe trên 100 người).

Tuy có mật độ xe ô tô cao như vậy, nhưng Đức có hệ thống đường sá tốt với trên 12.900 km đường xa lộ, ngoài ra là các đường liên bang, đường bang và xe có chất lượng tốt, được đăng kiểm chặt chẽ, nên số người chết do tai nạn giao thông đã giảm mạnh trong hơn 20 năm qua, kể từ khi có thống kê về những số liệu này.

{keywords}

Việc đi xe bị va quệt là điều dễ xảy ra

Nếu trong năm 1991, khi bắt đầu có con số thống kê, số người chết ở Đức do tai nạn giao thông là 11.300 người thì trong năm 2014 chỉ có 3.368 người chết do tai nạn giao thông.

Văn hóa giao thông của người Đức cũng là điều đáng phải học tập. Đặc biệt, khi đông xe mà có hai đường dồn về một hướng, phải chạy chậm, người Đức rất tự giác thực hiện nguyên tắc „fécmơtuya“, có nghĩa là lần lượt mỗi bên chỉ có một xe chạy vào, nối đuôi nhau, vì vậy có đông xe cũng không xe nào tranh giành, chèn nhau dẫn tới tắc nghẽn giao thông, mà lần lượt, chầm chậm đi qua chỗ ùn tắc.

Về nguyên tắc, xe nào cũng phải mua bảo hiểm mới được phép lưu hành. Khi mua lại xe cũ cũng phải mua bảo hiểm, đăng ký sang tên ngay. Sau đó, Sở tài chính sẽ gửi giấy về nhà, thông báo mức thuế đường phải đóng, tùy theo phân khối, mức khí thải gây ô nhiễm môi trường. Việc mua, bán xe, đăng ký sang tên không phải đóng thuế trước bạ, mà chỉ phải đóng lệ phí hành chính làm thủ tục sang tên vài chục Euro. Mục đích của việc bắt buộc sang tên đúng theo địa chỉ nơi cư trú là để quản lý, chứ không phải để thu thuế. Những ai vi phạm luật giao thông như đỗ xe không đúng quy định, chạy quá tốc độ… mà cảnh sát hoặc nhân viên trật tự bắt gặp, hoặc bị chụp ảnh khi chạy quá tốc độ thì cảnh sát sẽ tra được địa chỉ để gửi giấy về nhà đòi nộp phạt. Nếu không chịu nộp phạt sẽ bị gọi ra tòa.

{keywords}

Dù tai nạn không gây thiệt hại lớn, cảnh sát Đức vẫn tới lập biên bản để bảo hiểm giải quyết bồi thường.

Thông thường, khi chẳng may gây ra tai nạn giao thông, người Đức sẽ gọi cảnh sát tới lập biên bản, giao cho công ty bảo hiểm giải quyết việc bồi thường. Người gây tai nạn và người bị tai nạn đối xử, nói năng với nhau rất lịch sự, không có chuyện gây gổ, cãi nhau. Họ rất tự trọng nên thường nói đúng những gì xảy ra, không dối trá, đổ lỗi cho nhau. Sau khi cảnh sát lập biên bản, họ lịch sự chào nhau trước khi ra về. Những trường hợp cãi nhau, đổ lỗi cho nhau lại thường là người nước ngoài ở Đức. Trong những trường hợp không rõ lỗi tại ai, có thể thuê luật sư để họ xem hồ sơ của cảnh sát để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của mình.

Những trường hợp không may va quệt vào xe người khác mà không có người lái trong xe, người gây tai nạn cũng phải gọi cảnh sát hoặc chờ người bị hại tới giải quyết. Nếu tự ý bỏ đi sẽ phạm tội chạy trốn khi gây tai nạn, một tội hình sự, sẽ bị phạt nặng.

Chính vì ở Đức có luật lệ giao thông rõ ràng và người tham gia giao thông tôn trọng luật lệ, khi không may xảy ra tai nạn giao thông thì người ta đối xử với nhau lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, không gây gổ, cãi nhau, gọi cảnh sát tới lập biên bản, bên nào có lỗi thì bảo hiểm bên đó phải bồi thường, nên việc lái xe ở Đức rất thoải mái, không bị căng thẳng. Đó chính là văn hóa giao thông đáng học tập.

(Theo Văn Long/Thoibao.de)