Wang Shichang làm việc 12 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Anh hầu như không có thời gian cho vợ mới cưới.
Ở tuổi 28, Wang luôn trong tình trạng mệt mỏi. Đôi mắt khô khốc suốt ngày phải căng ra. Giấc ngủ luôn chập chờn. Wang đã tăng hơn 9 kg kể từ khi bắt đầu công việc phát triển phần mềm vào 4 năm trước.
"Bây giờ, leo lên 4 tầng nhà cũng khiến tôi mệt đứt hơi", anh nói.
Wang khẳng định văn hóa làm việc "996" chính là nguồn cơn của tất cả.
Theo CNN, “996” là lịch làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Văn hóa này dù trở thành tiêu chuẩn tại nhiều công ty công nghệ và khởi nghiệp ở Trung Quốc cũng đã gây không ít tranh cãi trong những năm gần đây.
Nhiều tỷ phú, doanh nhân công nghệ luôn đề cao “996” như một giá trị tuyệt vời. Jack Ma, một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, ca ngợi văn hóa làm việc 12 tiếng/ngày là “một phước lành”.
Trong khi đó, Wang và nhiều người trẻ Trung Quốc khác không ngừng chỉ trích “996” là cái máy vắt kiệt sức lực, tinh thần của họ.
Zing.vn trích dịch bài viết trên CNN về văn hóa làm việc "996" nổi tiếng tại các công ty công nghệ Trung Quốc đang bị chỉ trích vì gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần trong đội ngũ nhân lực trẻ.
Văn hóa làm việc "996" bị nhiều người chỉ trích là cỗ máy vắt kiệt sức lực của người trẻ Trung Quốc. Ảnh: Global Times. |
Không thời gian, không sức lực
Ở Trung Quốc, nhiều thập niên qua, thời gian làm việc kéo dài, tăng ca, làm thêm giờ không quá xa lạ với những người lao động trong ngành sản xuất. Nhưng giờ đây, một văn hóa tương tự, được đặt tên là “996”, cũng phát triển trong giới văn phòng.
Cuộc khảo sát năm 2018 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia cho thấy một người Trung Quốc có trung bình 2,27 giờ giải trí/ngày. Con số này chưa bằng một nửa so với các quốc gia như Mỹ, Đức, Anh.
Theo cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc năm 2018 về sức khỏe tâm thần của 403 nhân viên công nghệ, 50% số người tham gia cho biết họ cảm thấy mệt mỏi. Những người khác nói rằng họ có các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, rối loạn cột sống…
Zhu, một lập trình viên 25 tuổi ở Thượng Hải, cho biết hầu hết mọi người trong công ty của anh đều bị "hội chứng lưng phẳng" - một chứng rối loạn khiến cột sống mất đi đường cong thấp tự nhiên, chủ yếu do ngồi sai tư thế trong một thời gian dài.
"Trong các kiểm tra hàng năm, một số bác sĩ mặc nhiên bỏ luôn phần kiểm tra cột sống và lưng phẳng", anh nói.
Giới trẻ Trung Quốc mệt mỏi vì làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Ảnh: Getty, AFP. |
Chưa nói đến các vấn đề thể chất, Wang nói chứng trầm cảm của anh đang ngày càng tệ hại vì áp lực công việc.
Bác sĩ của Wang khuyên anh giải tỏa căng thẳng và ngủ nhiều hơn nhưng Wang nghĩ những điều này quá khó để thực hiện.
9X cho biết: "Vợ chồng chúng tôi đôi khi phải cắt ngắn giấc ngủ để làm những việc khác. Có thể ngủ nướng vào cuối tuần nhưng tôi muốn đặt báo thức, dậy sớm để có thể đi xem phim hay đến một buổi hòa nhạc".
Twenty Wu, một nhà phát triển phần mềm 23 tuổi cho một trang web thương mại điện tử Trung Quốc, cũng gặp vấn đề tương tự. Anh vừa muốn dành thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc vừa muốn ngủ đủ giấc.
"Tôi thường về nhà vào khoảng 11 giờ tối và chỉ muốn leo ngay lên giường. Không có thời gian, năng lượng để giải trí hay học tập", Wu nói.
Theo CNN, Trung Quốc không phải nơi duy nhất tồn tại văn hóa làm việc quá giờ, quá sức.
Hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những khái niệm tương tự “996”. Các thuật ngữ “Karoshi” trong tiếng Nhật và “Gwarosa” trong tiếng Hàn đều dùng để chỉ những cái chết vì làm việc quá sức.
Ở Thung lũng Silicon của Mỹ, văn hóa "hustling" được sử dụng để mô tả guồng quay công việc áp lực, mệt mỏi. Tỷ phú công nghệ Elon Musk từng chia sẻ ông làm việc 80-90 giờ/tuần và tuyên bố: "Không ai có thể thay đổi thế giới nếu làm việc 40 giờ/tuần".
'Nhàm chán và lặp đi lặp lại'
Theo Xiang Yuanzhi, tổng biên tập của tạp chí Internet Economy, một trong những lý do khiến nhiều nhân viên công nghệ trẻ ngày nay cảm thấy bị đối xử bất công, bất mãn với công việc là vì sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng và thực tế.
"Công việc của họ nhàm chán và chủ yếu lặp đi lặp lại, chỉ tập trung vào các phần rất nhỏ trong dự án khổng lồ. Thật khó để có được cảm giác thỏa mãn”, ông Xiang giải thích.
Với Wang, công việc của các lập trình viên về cơ bản không khác gì công nhân dây chuyền lắp ráp. "Các lập trình viên trẻ đã lớn lên với một cuộc sống sung túc hơn trước. Vì vậy họ đòi hỏi nhiều tự do cá nhân hơn”, Wang nói thêm.
Trong số 40 nhân viên công nghệ Trung Quốc mà CNN phỏng vấn, rất ít người nói rằng họ nhận được sự tư vấn hoặc giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ nhân viên - thứ mà không nhiều công ty công nghệ Trung Quốc có.
Enoch Li, người điều hành dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho nhiều công ty ở Trung Quốc, nói rằng theo kinh nghiệm của cô, các doanh nghiệp công nghệ rất ít quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên.
"Đôi khi họ không có ngân sách cho nó", cô nói.
Nơi nghỉ trưa của nhân viên IT tại trung tâm công nghệ Zhongguancun, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả đối với các công ty Trung Quốc có các chương trình hỗ trợ nhân viên, nhiều khả năng đây là một đường dây nóng, chỉ với mục đích đơn giản là lắng nghe.
Li nói rằng các công ty Trung Quốc quá coi trọng việc "cân bằng cảm xúc", "sự kiên trì". Họ thất bại trong việc giúp nhân viên bộc lộ cảm xúc thật. Một người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thậm chí bị kỳ thị vì vậy không ai dám bày tỏ và chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ.
Zhu đồng ý rằng việc tiếp nhận chăm sóc sức khỏe tinh thần có thể không được khuyến khích trong lĩnh vực của anh.
“Tôi cảm thấy lo lắng nhưng chưa bao giờ cần sự giúp đỡ từ bác sĩ", Zhu, người đang làm cho một công ty có các dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho nhân viên, nói.
Không được may mắn như Zhu, Wang kể cả 5 công ty công nghệ Trung Quốc anh từng làm việc không có bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nào.
Anh tự chẩn đoán bệnh của mình thông qua các video, bài kiểm tra trực tuyến về trầm cảm. Sau khi gặp bác sĩ, Wang bắt đầu uống thuốc, dành nhiều thời gian để nghe nhạc.
Nhưng công việc thì vẫn thế, vẫn ngột ngạt trong vòng quay "996".