Nhận định của họa sĩ Lê Thiết Cương trong talkshow 'Tôi gìn giữ vẻ đẹp' diễn ra tối 17/8 tại L'espace đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

{keywords}
Khán giả lấp đầy lối đi khi sự kiện còn chưa bắt đầu. Ảnh: Tuấn Đào

Dù là một sự kiện nằm trong khuôn khổ cuộc thi nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh và nhiếp ảnh thuộc Davines Art Series Số 4 nhưng talkshow 'Tôi gìn giữ vẻ đẹp' đã thu hút được hàng trăm bạn trẻ tham dự. Khán phòng TTVH Pháp Hà Nội không chỉ được lấp đầy ghế chính, ghế phụ mà hàng chục người chen chúc hai bên lối vào hội trường để lắng nghe các diễn giả trình bày.

Nếu để mất văn hóa là mất nước!

Không chọn nhiếp ảnh hay hội họa, lần này các nhà tổ chức quyết định mở một cuộc thi bằng công cụ nhiếp ảnh và điện ảnh để lưu giữ lại những nét đẹp trong văn hóa truyền thống đang dần mất đi. Bởi với tốc độ phát triển chóng mặt và sự hội nhập khủng khiếp như hiện nay, rất nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống đang tồn tại hôm nay có thể chỉ còn là kỷ niệm trong vài năm tới.

"Khi chúng tôi chung tay thực hiện chương trình ‪#‎toigingiuvedep‬, có không ít các ý kiến can ngăn, rằng cộng đồng mạng giờ đây chỉ ưa tin giật gân, scandal, các anh mà làm tin tốt thì khó mà lan truyền, khó mà thu hút được công chúng. Nhưng chúng tôi vẫn bắt tay vào làm việc cật lực chỉ đơn giản là vì lòng tin của chúng tôi quá lớn. Chúng tôi tin rằng còn quá nhiều điều tốt đẹp trong xã hội chúng ta và các bạn luôn đứng cạnh chúng tôi để cổ vũ cho những con người đang thầm lặng làm công việc gìn giữ giá trị văn hoá, nghệ thuật và giá trị cuộc sống", ông Phạm Vũ Tùng, đại diện BTC nói.

{keywords}
Họa sĩ Lê Thiết Cương trình bày tại hội thảo. Ảnh: Tuấn Đào

Một sự kiện tưởng như khô cứng khi đề cập đến việc gìn giữ các giá trị truyền thống như gốm Hương Canh, tranh Hàng Trống, áo dài Huế truyền thống... nhưng lại có sức hút đặc biệt với giới trẻ. Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của các chương trình Davines Art Series nói ông chưa bao giờ đứng trên sân khấu L'espace mà bên dưới khán phòng lại có đông khán giả đến vậy. Và ông bất ngờ hơn khi họ đều rất trẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: "Cuộc sống hiện tại đang nhanh hơn trước rất nhiều và tôi cho rằng nó sẽ càng ngày càng nhanh. Không gian sống ngày hôm nay rất mở, rất phẳng... Nó như một cơn lũ có thể cuốn trôi tất cả, trong đó có cả cái đẹp. Tôi chưa thấy cái đẹp nào là lực sĩ hết vì bản chất của cái đẹp là mong manh, dễ vỡ, dễ mất. Trong cái đẹp hàm chứa văn hóa, truyền thống, nếu không giữ được thì nó sẽ mất.

Văn hóa truyền thống mất đi là điều không thể sám hối.

Đã đến lúc cần phải coi biên giới là 1 khái niệm và mở. Đã đến lúc coi cái đẹp của nước Việt, văn hóa Việt, truyền thống Việt cũng là biên giới.

Nếu để mất văn hóa là mất nước".

Người lưu lại những thứ sắp mất

{keywords}
NTK Trịnh Hoàng Diệu là em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Đẹp!

Trong buổi tọa đàm, những người tham dự đã được xem bộ phim ngắn kể câu chuyện gìn giữ vẻ đẹp Áo Dài xưa của nhà thiết kế áo dài Trịnh Hoàng Diệu do đạo diễn Sơn Phạm thực hiện và 2 bộ ảnh của hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

Một là bộ ảnh kể câu chuyện về Nghệ nhân Lê Đình Nghiên gìn giữ những nét tinh hoa của Dòng tranh dân gian Hàng Trống của Nhiếp ảnh gia Việt Thanh thực hiện. Hai là bộ ảnh kể câu chuyện Gia đình nghệ nhân Thanh – Nhạn, Làng gốm Hương Canh - Làng nghề truyền thống đang có nguy cơ biến mất của nhiếp ảnh gia từng giành giải World Press Photo - Maika Elan.

Lê Đình Nghiên là nghệ nhân cuối cùng còn làm tranh dân gian Hàng Trống. Năm 1972, ông được Bảo tàng mỹ thuật mời hợp tác trong phục chế tranh Hàng Trống. Ngoài nghề phục chế tranh, ông cũng in tranh, sửa chữa tranh theo mẫu và sáng tạo ra những bức tranh mới. Có thể nói ông đã đặt bút vẽ nên cả truyền thống văn hóa dân tộc.

{keywords}
Người cuối cùng làm tranh dân gian Hàng Trống - Ảnh: Việt Thanh

Để thực hiện được bộ ảnh này, nhiếp ảnh gia Việt Thanh đã phải đến nhà nghệ nhân Lê Đình Nghiên nhiều lần và nghiên cứu rất kỹ đặc trưng của tranh dân gian Hàng Trống để có được những bức ảnh đắt giá. Anh kể lại: "Tôi đã đến nhà bác tổng cộng 5 lần. Đầu tiên bác nói hôm nay nóng lắm, cứ tạm thời đến để giao lưu đã. Lần thứ 2 bác lại bận đi đám ma.

Lần thứ 3 bác bảo nhà cửa bừa bộn lắm nhưng tôi vẫn còn kiên nhẫn. Sau đó tôi có 1 buổi nói chuyện với bác gái bán phở ở bên ngoài để tìm hiểu kỹ hơn về bác. Lần thứ 4 tôi có đến và nói chuyện với bác lâu hơn và biết bác có thú vui thích sưu tầm đồng tiền cổ. May mắn tôi có tờ 2USD phát hành năm 1976 nên tôi tặng bác. Lúc đó thiện cảm của bác với tôi tốt lên rồi nhưng vẫn hẹn tôi lần sau đến. Và lần cuối cùng này tôi với bác gần như là người bạn và tôi chụp khá thoải mái".

{keywords}
Một trong số các bức ảnh về làng gốm Hương Canh do Maika thực hiện.

Trong khi đó Maika đã lưu lại hình ảnh của một gia đình đang kéo dài truyền thống của một làng gốm 400 tuổi nức tiếng Bắc Bộ. Sau khi HTX gốm giải thể năm 1980 nhiều người đã bỏ nghề gốm. Vợ chồng nghệ nhân Thanh Nhạn sống cùng gốm đã 50 năm và gia đình 3 thế hệ ấy đã và đang cùng giữ đỏ ánh lửa lò gốm quê hương, quyết bám trụ với nghề để giữ nét tinh túy xưa truyền lại.

Còn trong bộ phim ngắn về nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, người xem không chỉ được biết các công đoạn thiết kế áo dài truyền thống mà còn hiểu vì sao áo dài Huế xưa có 5 tà (tượng trưng cho Cha - Mẹ - Vợ -  Chồng và Con), 5 cúc (tương ứng với Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín).

Trịnh Hoàng Diệu cho biết bà thiết kế áo dài tỉ mẩn cũng như sáng tác một bản nhạc. Bà luôn muốn gìn giữ những nét truyền thống và tinh túy của áo dài xưa. Với NTK Trịnh Hoàng Diệu, mỗi chiếc áo dài là một bức tranh biết chuyển động, nó khắc họa lên bức chân dung của người phụ nữ Việt: đằm thắm, nặng ân tình và chứa đựng những ý nghĩa đa chiều. 

Cả nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nhiếp ảnh gia Việt Thanh lẫn gia đình nghệ nhân Thanh Nhạn - nhiếp ảnh gia Maika và NTK Trịnh Hoàng Diệu - đạo diễn Sơn Phạm bằng những nỗ lực của mình đang gìn giữ và lưu giữ lại những nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc đang đứng trước nguy cơ mất đi bất cứ lúc nào.

Hoàng Vy