- Nói đến chuyện xếp hàng chờ tới lượt ở những nơi đông người như bến tàu, bến xe, lên xe buýt, rút tiền, mua hàng… cũng là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Đó là việc làm đơn giản nhưng lại thể hiện nếp sống văn minh tạo sự công bằng cho mọi người ai đến trước mua trước người đến sau mua sau, tránh cảnh chen lấn xô đẩy, trộm cắp, móc túi gây mất trật tự công cộng…

Xếp hàng không được cũng phải chen

Nhưng để có được những hành động văn minh tiết kiệm thời gian như vậy cũng không hề đơn giản. Nhiều người có ý thức về việc đó, nhưng dường như những việc làm của họ còn rất nhỏ nhoi, lạc lõng. Trong những tình thế bắt buộc khiến họ cũng phải từ bỏ nếp sống văn minh ấy, bởi nếu không họ sẽ phải chờ không biết đến khi nào.

xếp hàng rút tiền về tết
Anh Tuấn (quận Tân Bình, TP.HCM) đã gặp phải tình huống rất khó xử. Anh đã phải đắn đo suy nghĩ về việc mình làm và cuối cùng anh cũng phải “theo vết xe đổ” mà thực sự anh không hề muốn.

Anh thường đi công tác về Bình Dương có lần qua KCN Sóng Thần cần tiền vào một một máy ATM để rút tiền. Khi anh tới thì đã có 2 người đứng bên trong rút tiền. Anh đứng đợi ngoài cửa thì lại thấy một tôp 5-6 cô công nhân cười nói rồi mở cửa bước vào trong coi như không có anh đứng ở cửa. Một nhóm vào anh không nói gì lại có nhóm khác vào anh đã nhắc họ là nên chờ ở ngoài tới lượt mới vào, anh cũng còn đang đứng chờ. Dường như họ không thèm đếm xỉa đến câu nói của anh mà còn vẻ khó chịu.

Anh đã đợi thêm nhưng càng đợi thì cứ hết nhóm nọ tới nhóm kia lại tới. Anh không chờ được nữa cũng đành phải bước vào trong khi vẫn còn có mấy người đang chờ rút.

“Tôi đã kiên nhẫn chờ nhưng mà nếu cứ đứng chờ không biết khi nào tôi mới rút được tiền. Tôi đã nhắc nhở họ nên xếp hàng nhưng họ nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Để sống văn minh được cũng thật khó, nếu không vì cần tiền gấp thì tôi cũng đã đi luôn”, anh Tuấn chia sẻ.

Vào những dịp lễ Tết thì năm nào hầu như cảnh chen lấn, xô đẩy để mua vé cũng diễn ra trở nên quá quen thuộc với mọi người. Ai cũng mong mình được sở hữu một tấm vé nên mọi người mạnh ai nấy chen vào mua cho bằng được.

Đối với anh Nam thì đó cũng là một điều ám ảnh đối với anh mỗi khi tới chỗ đông người. Trong lần chờ mua vé tàu Tết anh đã chờ đợi cả buổi nhưng cuối cùng vẫn phải quay ra mua vé chợ đen vì không thể chịu đựng được sự ngột ngạt.

“Trong đợt mua vé Tàu về quê năm rồi tôi đợi cả buổi gần tới lượt còn phải bỏ cuộc. Tôi đứng từ vòng ngoài chờ suốt buổi, mồ hôi nhễ nhại chưa kịp vui vì sắp tới lượt mình mua rồi thì bỗng ở đằng sau họ cứ đùn đẩy càng lúc càng mạnh. Cố trụ một hồi tôi cũng bị văng khỏi vòng đó, ngột ngạt khó thở quá không chịu được tôi bị bật ra ngoài đành quay ra mua vé ở ngoài. Chấp nhận mất thêm ít tiền nữa nhưng đỡ phải chen lấn. Giờ cứ nghĩ tới cảnh mua vé đó tôi lại thấy ớn lạnh”, anh Nam nhớ lại.

Tẩy chay người không xếp hàng

Ở nước ngoài thì được cả xã hội đồng thuận trong việc xếp hàng, ai ai cũng phải xếp hàng thể hiện sự văn minh lịch sự. Điều này tiết kiệm được rất nhiều thời gian và mang lại sự thoải mái cho mọi người.

Thậm chí ngay cả người bán hàng cũng tẩy chay những người mua hàng mà không xếp hàng theo trình tự. Chính điều đó phần nào cũng khiến cho những người mua hàng ý thức được việc xếp hàng bất cứ trong trường hợp nào. Vì nếu có bằng cách này cách khác chen được vào thì cũng vẫn phải chờ.

Chị Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: Trong một lần đi Hồng Kông du lịch, buổi tối chúng tôi đi dạo phố thấy ngoài phố họ nướng mực rất là thơm, chúng tôi ghé vào quán để mua. Khi đó trong quán chỉ có 4 người đang đứng ở đó.

Chúng tôi thấy quán cũng còn trống nên vào sát hàng chỉ trỏ lấy món này món kia. Người bán hàng không trả lời cũng không nói gì cứ như họ không nhìn thấy chúng tôi vậy. Chúng tôi tưởng mình nói họ không hiểu sau đó họ lấy đồ đưa cho những người kia. Thấy lạ nhìn lại tôi mới hiểu rằng mấy người kia đang xếp hàng để chờ đến lượt.

Tôi biết ý cũng xếp hàng đứng sau mấy người kia. Lúc đó tôi cũng thấy rất ngượng và xem đây như là bài học “đi một ngày đàng học sàng khôn”. Từ đó đến mấy hôm sau đi đâu mua gì tôi cũng nhớ rõ trong đầu việc đầu tiên là phải xếp hàng dù chỉ có 1-2 người. Ở đó không chỉ người dân ý thức xếp hàng mà ngay cả người bán cũng “tẩy chay” người mua hàng mà không chịu xếp hàng”.

“Trong một lần đi dự đám tiệc mọi người đang đứng chờ ở cửa thang máy rất đông, khi thang máy mở cửa em bé người nước ngoài đứng hàng sau chạy vào trước, lập tức ông bố đã kéo con lại và nói không được làm như thế con phải xếp hàng. Có người thì nói nó trẻ con mà. Tôi và mọi người cũng không hề khó chịu vì nghĩ cháu vẫn còn nhỏ mà. Nhưng thấy họ làm như vậy là rất đúng chỉ khi nào người lớn nhường mới được vào còn nếu không thì phải xếp hàng”, chị Thúy nhớ lại.


Đức Toàn