Bọn trộm cắp hành lý trên máy bay thường hoạt động theo nhóm, phần lớn đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á

Số vụ trộm cắp tinh vi trên máy bay ngày càng tăng, khiến không chỉ hành khách hoang mang mà nhà chức trách nhiều nơi cũng đau đầu.

Trộm cắp hành lý

Cảnh sát Hồng Kông mới đây cho biết họ đã nhận được trình báo về 67 vụ trộm cắp hành lý trên các chuyến bay đến đặc khu này trong 10 tháng đầu năm 2015, tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong năm 2014, số tài sản trị giá 2,6 triệu USD đã “không cánh mà bay” trên các chuyến bay đến Hồng Kông. Tờ Minh báo (Hồng Kông) cho biết các vụ trộm cắp hành lý thường diễn ra vào thời điểm tiếp viên hàng không mang bữa ăn cho hành khách, khoang máy bay bớt sáng hoặc hành khách rời khỏi chỗ ngồi.

Ông Ip Chun-wing, một chánh thanh tra cảnh sát ở Hồng Kông, tiết lộ phần lớn kẻ trộm đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á. Bọn này đi lại giữa các nước trong khu vực khá thường xuyên nhưng chỉ trú lại trong thời gian ngắn. Điều tra cho thấy bọn trộm thường hoạt động theo nhóm, chúng không ngồi gần nhau và chuyền “chiến lợi phẩm” cho nhau một khi phi vụ trót lọt.

Cũng theo ông Ip, trộm cắp trên các chuyến bay đăng ký ở Hồng Kông có thể đối mặt bản án đến 10 năm tù nhưng đối với chuyến bay của các hãng hàng không khác, tội này chỉ phải chịu khoảng 6 tháng tù giam.

{keywords}
Hình ảnh ông Qiquan Ma trộm tiền của khách Đan Mạch. Ảnh: Cảnh sát Du lịch tại sân bay Suvarnabhumi

Ông Warren Becker, công dân Nam Phi, kể rằng ông bị bọn trộm “hỏi thăm” trên chuyến bay của hãng hàng không South African Airways (SAA) từ TP Johannesburg đến Hồng Kông hồi cuối năm 2015. Một số trang sức và 1.800 USD tiền mặt trong túi đã bốc hơi trong lúc ông chợp mắt.

Một nữ nhân chứng giấu tên cho biết bà nhìn thấy một số người lấy hành lý của ông Becker từ ngăn chứa hành lý và lục lọi trong đó. Ngay khi máy bay hạ cánh, cảnh sát Hồng Kông kiểm tra một số đối tượng tình nghi nhưng không phát hiện được gì. Nhân chứng nói trên tin rằng bọn trộm đã kịp chuyển “hàng” cho một đồng bọn không thuộc diện bị nghi ngờ.

Buôn lậu vàng

SAA vừa liệt một hành khách vào danh sách cấm bay sau khi nghi ngờ một băng đảng tội phạm đang lộng hành trên một số chuyến bay quốc tế của hãng. Danh tính và quốc tịch hành khách trên không được tiết lộ và người này cũng không bị buộc tội. Ông Tlali Tlali, phát ngôn viên SAA, cho biết 3 vụ trộm cắp trên chuyến bay của họ đã xảy ra trong tháng 12-2015. Một phi công của SAA tiết lộ báo địa phương Times rằng nếu tình trạng trộm cắp vẫn tiếp diễn, hãng buộc lòng phải bổ sung các biện pháp an ninh trên máy bay, như lắp camera giám sát.

Vào cuối năm ngoái, một người đàn ông Trung Quốc bị bắt quả tang trộm tiền của hành khách trên chuyến bay từ TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ đến thủ đô Bangkok - Thái Lan. Hành khách tên Qiquan Ma, 45 tuổi, bị bắt giữ sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Thái Lan) với cáo buộc “nẫng” 5.050 euro tiền mặt cũng như các loại ngoại tệ khác trong túi của Harald Amming, hành khách người Đan Mạch.

Ngoài trộm cắp, bọn tội phạm còn lợi dụng các chuyến bay để buôn lậu vàng. Hôm 19-1, hải quan Bangladesh thu giữ 110 thỏi vàng nặng 12 kg trong nhà vệ sinh của một chiếc máy bay đậu tại sân bay quốc tế Shahjalal ở thủ đô Dhaka. Số vàng được vận chuyển trái phép trên chuyến bay của hãng Regent Airways cất cánh từ Bangkok. Hai người đàn ông tên Abdur Rahim và Md Rafiqul Islam đã bị bắt vì cáo buộc buôn lậu.

Hôm 10-1 trước đó, hải quan Ấn Độ phát hiện khoảng 3 kg vàng thỏi (trị giá hơn 112.000 USD) được giấu bên dưới ghế ngồi trên một máy bay tại sân bay quốc tế Rajiv Gandhi, TP Hyderabad. Máy bay này thuộc về hãng Air India và khởi hành từ Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các nhà điều tra không loại trừ khả năng nhân viên hàng không dính líu đến đường dây buôn lậu trên. Kể từ tháng 12-2015, hải quan Ấn Độ thu giữ gần 10 kg vàng trên các chuyến bay của Air India nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị bắt.

(Theo NLĐ)