Các doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải tải hành khách đang cạn dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất (Trong ảnh: Ô tô khách của hãng xe Đồng Hương Sông Lam nằm "án binh bất động" tại bãi đỗ gần 3 tháng nay). Ảnh: Hiểu Lam |
Thấm đòn COVID-19
Những ngày qua, ông Nguyễn Ngô Lâm, Giám đốc Công ty CPXD & DVVT Đồng Hương Sông Lam (hãng xe Đồng Hương Sông Lam) thẫn thờ nhìn những chiếc xe phủ bạt nằm im lìm trong bãi đỗ. Ông Lâm cho biết, vào cuối năm 2018, ông đã đầu tư 10 xe khách giường nằm loại nhập khẩu nguyên chiếc (mỗi xe trị giá hơn 3 tỷ) và 6 xe 16 chỗ khác để trung chuyển hành khách từ văn phòng ra các bến xe.Tuy vậy, gần 3 tháng nay, số xe này phải nằm bãi vì Hà Nội và Nghệ An áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
"Với số tiền đầu tư gần 40 tỷ đồng, mỗi tháng công ty phải trả cả gốc và lãi hơn 300 triệu đồng. Vì nguồn thu không có, nên giờ Công ty cũng chẳng biết phải xoay sở cách nào", ông Lâm than thở.
Cũng theo ông Lâm, ngoài việc "thắt lưng buộc bụng" trả gốc lãi ngân hàng, doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí thuê văn phòng, đăng kiểm, bảo dưỡng xe, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ người lao động lại khiến Công ty ngày càng kiệt quệ, trên bờ vực phá sản và không lối thoát.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Đình Khoa - hãng xe khách Anh Khoa (Thanh Hóa) cũng cho biết, từ tháng 7/2021 đến nay, hàng chục đầu xe khách của ông bỏ ngỏ, dừng hoạt động vì dịch. Tuy nhiên, hàng tháng Công ty vẫn phải bỏ ra chi phí thuê bãi đỗ, kiểm định, sửa chữa rất lớn.
Không có nguồn thu, mới đây ông Khoa phải bán 1 căn nhà với số tiền hơn 10 tỷ đồng để có tiền trả bớt nợ ngân hàng và các khoản vay. Thời điểm này, ông tiếp tục rao bán các tài sản khác để thanh toán các khoản vay "nóng" bên ngoài nhưng vẫn không có người mua.
“Xe rao bán với giá rẻ nhưng không ai mua vì dịch phức tạp không thể tiêu thụ được. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải lựa chọn giải pháp hoán cải, tháo ghế để chở hàng kiếm thêm đồng ra đồng vào duy trì hoạt động và lo cho cuộc sống của người lao động", ông Khoa ngán ngẩm.
Là doanh nghiệp có hơn 300 lái xe đã nghỉ việc sau thời gian dài giãn cách xã hội, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) chia sẻ, hiện đơn vị chỉ còn lại 100 lái xe, hàng trăm lái xe đã xin nghỉ việc. Doanh nghiệp không có nguồn thu trả lương người lao động, đóng bảo hiểm, trả nợ gốc, lãi ngân hàng, muốn bán xe để trả nợ cũng không bán được.
Mặc dù không hoạt động, tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải phải thường xuyên bảo dưỡng phương tiện và phun khử khuẩn phương tiện chờ ngày hoạt động trở lại. |
“Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn yêu cầu trả nợ gốc, lãi. Các loại lệ phí, bảo hiểm xã hội cho người lao động, doanh nghiệp vẫn phải chi trả. Nếu cứ tạm dừng hoạt động như hiện nay, Công ty sẽ không còn đủ sức để gắng gượng, phục hồi kinh doanh, sản xuất”, ông Hải cho hay.
Nóng lòng chờ 'mở cửa'
Trước những thiệt hại nặng nề của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp vận tải hành khách đều nóng lòng được mở cửa trở lại để kinh doanh, phục hồi, sau kỳ “ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết các doanh nghiệp vận tải đang cố gắng cầm cự bằng cách thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Theo ông, hậu quả đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với doanh nghiệp vận tải hành khách, dịch vụ thê thảm hơn rất nhiều các lĩnh vực khác.
Cũng theo các chuyên gia vận tải, phương án cần thiết lúc này là để các doanh nghiệp vận tải tái hoạt động, tự kinh doanh phục hồi sản xuất.
"Các doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Nội mong chờ từng ngày được phép hoạt động trở lại", ông Nguyễn Trọng Khánh - Giám đốc điều hành hãng xe X.E Việt Nam - nói với Tạp chí GTVT.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, toàn bộ đội ngũ lái, phụ xe và nhân viên điều phối của Công ty đều đã tiêm vắc xin, cũng như xây dựng các kịch về ứng phó, phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
"Nếu được mở cửa, Công ty chúng tôi sẽ cam kết đảm bảo, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch như giữ khoảng cách, thông điệp 5K của Bộ Y tế…", ông Khánh khẳng định.
Nếu được mở cứa trở lại, các doanh nghiệp vận tải đều cam kết đảm bảo, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch như giữ khoảng cách, thông điệp 5K của Bộ Y tế… |
Tương tự, nhiều chủ vận tải hành khách tại miền Bắc cũng mong muốn được sớm hoạt động trở lại. Đại diện hãng xe Hà Lan (Thái Nguyên) cho biết doanh nghiệp cũng đang mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại.
"Từ cuối tháng 7 đến nay chúng tôi đã phải tạm dừng hoạt động vận tải hành khách cao cấp từ Hà Nội đi các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang và hơn 80% nhân viên nghỉ việc. Khi Chính phủ, Bộ ngành cho phép mở cửa, chúng tôi cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định phòng dịch theo chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Bộ Y tế”, đại diện hãng xe Hà Lan chia sẻ.
Liên quan đến lộ trình nới lỏng hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 19. Mới đây, Bộ GTVT đã cập nhật bản dự thảo kế hoạch vận tải trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng dịch Covid-19. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến vào dự thảo này để sớm ban hành.
Tại bản cập nhật này, Bộ GTVT đã bỏ đề xuất yêu cầu hành khách phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 hoặc có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, hành khách trên phương tiện vận tải đi, đến địa phương áp dụng Chỉ thị số 15, 19 chỉ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.
Theo Tạp chí GTVT
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Ô tô trùm mền không đi lại do giãn cách, vì sao bảo hiểm không giảm phí?
Trong thời gian giãn cách xã hội, rủi ro thấp nhưng phí bảo hiểm vẫn giữ nguyên khiến nhiều khách hàng cho rằng không có sự công bằng.