Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 139 nghìn ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 75%. Do có địa hình đồi núi cao, nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây Quế, nên vùng Quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao.

Quế Văn Yên được trồng ở 27/27 xã, thị trấn của huyện. Đến hết năm 2018, tổng diện tích Quế trên địa bàn huyện Văn Yên là 40.019 ha, trong đó diện tích Quế tập trung là 25.357 ha, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng (xã Phong Dụ Thượng: 1.998 ha, Phong Dụ Hạ: 2.112 ha, Xuân Tầm: 3.371 ha, Châu Quế Hạ: 4.789 ha, Tân Hợp: 2.624 ha, Đại Sơn: 3.168 ha, Viễn Sơn: 2.600 ha, Mỏ Vàng: 4.695 ha).

W-anhque.png
Vùng Quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao.

Là 1 trong 8 xã vùng trọng điểm bảo tồn nguồn gen quế giống chất lượng, những năm gần đây, xã Viễn Sơn đã phát triển vùng quế theo hướng hữu cơ vừa nâng cao giá trị cây quế vừa tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và bảo vệ môi trường sống ở nông thôn. 

Hiện, xã có trên 2.600 ha đất trồng quế thì có hơn 70% diện tích được sản xuất theo hướng hữu cơ và hàng năm cho khai thác quế vỏ cả năm đạt 700 tấn, tận thu trên 6.000 tấn cành lá, 15.000 m3 gỗ xương quế... với tổng thu nhập từ cây quế đạt trên 50 tỷ đồng. 

Đối với diện tích quế sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, nhân dân không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ, mà dùng máy phát cỏ giúp quế phát triển nhanh, nhất là khi cây quế còn nhỏ. Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Viễn Sơn có trên 50 hộ liên kết trồng quế hữu cơ với canh tác nông nghiệp bền vững trên diện tích hơn 500 ha. 

Nhằm xây dựng vùng sản xuất quế an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, giữ vững thương hiệu, giá trị cây quế trên thị trường, ngoài vận động nhân dân trồng, chăm sóc theo quy định, Viễn Sơn đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thu mua các sản phẩm từ quế tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân để bà con yên tâm sản xuất. 

Xã Đại Sơn đang ngày càng thay da, đổi thịt nhờ cây quế. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Mông... trong đó người Dao chiêm 72% dân số. Ở Đại Sơn nhà nào cũng trồng quế. Ngày xưa chỉ trồng nhỏ lẻ, rồi phát triển thành nương, thành đồi. Khoảng 10 năm nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, đã rút ngắn thời gian đến tuổi khai thác cây quế từ 10 - 20 năm sau khi trồng xuống còn 7 - 8 năm. Mỗi năm thu hoạch khoảng 700 tấn, thu về xấp xỉ 40 tỷ đồng. Nhờ cây quế mà nhiều gia đình đã dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thu nhập bình quân đầu người khoảng 40 triệu đồng mỗi năm.

Tại xã Châu Quế Hạ nơi có diện tích quế lớn nhất nhì toàn huyện với trên 5.300 ha, hàng năm cho khai thác bình quân trên 200 ha với sản lượng quế vỏ đạt trên 750 tấn, chưa kể tận thu trên 7.000 cành lá, trên 14.000 m3 gỗ xương quế.

Kết hợp chăm sóc, khai thác, mỗi năm xã đều trồng mới gần 200 ha nên việc phát triển quế hữu cơ theo phương pháp trồng, chăm sóc thủ công, không sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ cỏ đã được xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện trong những năm gần đây. Trong đó, tập trung nhiều ở 4 thôn: Khe Bành, Bản Tác, Nhược và Mộ, vì đây là những thôn có đất đai phì nhiêu, độ ẩm cao, quế sinh trưởng phát triển nhanh. Hiện người dân đã ý thức được tác hại của thuốc trừ cỏ, trừ sâu với môi trường nên nhiều gia đình tự sắm máy phát cỏ về dùng để hạn chế dùng thuốc trừ cỏ. 

Lãnh đạo huyện Văn Yên cho biết, huyện tiếp tục xác định cây quế là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện. Đồng thời, xác định giữ được vùng quy hoạch quế, nhất là những xã được cấp chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng quế hữu cơ để tạo ra những sản phẩm quế tốt nhất, đáp ứng được thị trường cao cấp, tăng cường thu hút đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm quế thêm đa dạng, nhất là các sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu. Cùng với đó, huyện lựa chọn giống có chất lượng cao đưa vào nhân giống, cải tạo giống có giá trị kinh tế thấp sang giống có giá trị kinh tế cao hơn.

Nhóm PV