- Đọc tâm sự trao vàng nhiều ít trong đám cưới của mọi người, thấy ai cũng muốn được "gãy cổ" vì vàng trong đám cưới. Tự nhiên tôi thấy thương.
Tôi là giáo viên mầm non, năm nay 32 tuổi. 8 năm trước, tôi lên xe hoa về nhà chồng. Bố mẹ chồng tôi có cửa hàng điện lạnh lớn nhất huyện. Vì thế, kinh tế ông bà rất khá.
Khi đám cưới của chúng tôi sắp diễn ra, mẹ chồng tôi rất tâm lý. Biết tôi là giáo viên mầm non (khi ấy mới đi làm, đồng lương không đáng là bao) bà đưa cho tôi 15 triệu để tôi sắm sửa quần áo và lo thêm chi phí cưới xin cho bố mẹ mình.
Bố mẹ tôi chỉ là nông dân, nhà tôi lại đông anh em nên không có điều kiện. Tôi thì thật thà tin người nên cầm tiền ngay. Trong số 15 triệu mẹ chồng đưa, tôi trích ra một ít mua vài bộ quần áo, một ít mua chỉ vàng cho mẹ trao tay, còn lại tôi đưa cho bố lo liệu đám cưới.
Ngày cưới, họ nhà trai đi đón dâu rất hoành tráng. 8 cái xe ô tô bóng loáng nối đuôi nhau đến đón tôi. Sau đó, lúc tổ chức hôn lễ, mẹ chồng tôi, bố chồng tôi, ông bà nội ngoại của chồng tôi rồi cả các chị của chồng, các cô, dì, chú, bác của chồng lần lượt lên trao vàng cho tôi.
Ảnh: Today |
Số vàng cưới tôi nhận được hôm đó, nói không quá nhưng ai bảo tôi sắp “gãy cổ vì vàng” cũng đúng. Trên cổ tôi đeo 3 chiếc kiềng 5 chỉ, hai dây chuyền 3 chỉ. Còn cổ tay và các ngón tay thì kín mít trang sức vàng.
Hai họ nội ngoại nhìn tôi, ai cũng trầm trồ bảo “chuột sa chĩnh gạo”. Vì thế, trong lòng tôi thấy hãnh diện và tự hào lắm.
Đám cưới xong, tôi tháo hết số vàng được trao ra khỏi người, sau đó, tôi giữ lại chỉ vàng của mẹ đẻ cho. Còn lại, hơn 4 cây vàng tôi mang gửi mẹ chồng. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi không cầm. Bà bảo tôi cất đi làm của để dành hoặc gửi mẹ đẻ.
Tôi nghe mẹ nói, trong lòng thấy phục và yêu quý mẹ chồng lắm. Thế nhưng, càng sống lâu ở nhà chồng, tôi càng hiểu, cái giá của không “môn đăng hộ đối” là thế nào.
Tôi đi làm thì thôi, về đến nhà là đầu tắt mặt tối với công việc nhà cửa, cơm nước, bán hàng, thậm chí là đi giao hàng cho người ta. Lương của tôi tuy ba cọc ba đồng nhưng lĩnh về là phải nộp cho mẹ. Bố mẹ chồng tôi nói một câu, tôi cũng phải răm rắp nghe theo.
Nhà mẹ đẻ cách nhà tôi 4 km. Tuy nhiên, cả tháng tôi cũng không được về nhà đẻ lần nào. Mỗi lần xin về, bố mẹ chồng tôi lại lừ mặt. Thế là thôi, tôi lại cun cút lo việc nhà chồng.
Cách đây vài tuần, hàng xóm nhà chồng thấy tôi không khác gì người ở thời phong kiến, họ góp ý với mẹ chồng tôi, bảo đừng khắt khe với tôi quá. Tôi là con dâu chứ đâu phải người hầu. Thế mà, mẹ chồng tôi bĩu dài môi.
Bà bảo: “Ngày trước, mua một đứa con ở, các cụ chỉ mất mấy đồng. Đằng này, nó nhận của tôi một lúc mấy cây vàng. Số vàng đó, lãi mẹ đẻ lãi con, nó trả nợ tôi cả đời không hết”.
Bà hàng xóm nghe xong bức xúc nhưng không nói lại được mẹ tôi vì mẹ tôi là dân kinh doanh. Vì thế, bà ấy đem câu chuyện kể lại cho tôi nghe.
Tôi nghe hàng xóm kể lại, trong lòng trào lên uất ức. Hóa ra, bà ấy đeo vàng vào cổ tôi rồi lại xui tôi mang gửi mẹ đẻ là ý khẳng định bà đã mua tôi về làm con ở suốt đời…
Vì thế, tôi thấy giận lắm. Tôi định đến nhà mẹ đẻ đòi vàng rồi mang trả mẹ chồng. Thế nhưng, nghĩ đi rồi lại nghĩ lại. Nếu trả vàng thì chẳng phải 8 năm qua tôi làm người ở không công hay sao?
Chuyện của hồi môn, quà cưới, thách cưới nhiều hay ít, giản dị hay phô trương... vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Độc giả trải qua câu chuyện tương tự xin gửi về cho chúng tôi theo địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng! |
Phạm Thanh Thúy (Hải Phòng)