(VEF.VN) - Giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống theo đà của thế giới, dù vẫn duy trì khoảng cách cao hơn 2 triệu so với giá thế giới. Còn USD đã tăng đến gần 300 đồng chỉ từ cuối tuần qua đến giờ.
Sáng 26/9, giá vàng SJC công bố đã xuống dưới ngưỡng 45 triệu ở mức 44,9 – 45.3 triệu đồng/lượng. Sau đó, tiếp tục điều chỉnh xuống 44,8 - 45,2 triệu đồng/lượng. Đến 9h, giá vàng còn 44,6 – 45 triệu đồng/lượng. Giảm tiếp hơn 700 ngàn đống so với mức giá cuối tuần qua.
Đến khoảng 11h sáng nay, vàng đã rớt giá tới gần 1 triệu đồng so với lúc mở cửa, dao động quanh mức 44,65 triệu đồng/lượng. Thậm chí có những đại lý mua vào dưới mức 44 triệu đồng.
Trong khi đó các thương hiệu vàng khác lại chậm công bố giá, đến gần 9h vẫn chưa có giá mới và để mức 45,65 – 45,95 của cuối tuần qua. Sau đó niêm yết giá ở mức 44,6 – 45 triệu đồng/lượng. Còn Bảo Tín Minh Châu ở mức 45,6 – 46,1 triệu đồng/lượng.
Do vàng lao dốc mạnh, người dân Hà Nội bất chấp mưa gió vẫn đổ xô đi bán vàng.
Tuy nhiên, mức đi xuống của giá vàng trong nước còn rất thấp so với vàng thế giới. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng mất đi tới hơn 100USD. Trên thế giới, giá vàng cuối tuần đã về 1650$ bất chấp thị trường dầu thô giảm điểm mạnh. Thậm chí, giá vàng có lúc xuống 1643$ sau khi giữ mốc 1754$. Tính ra mất tới 5% trong một ngày giao dịch. Tính từ đầu năm, vàng vẫn ở mức tăng 16% giá trị.
Đến sáng nay, giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu đi lên khi ở mức 1.644 USD/ounce. Các nhận định cho thấy vàng sẽ tiếp tục giảm giá và lo ngại sẽ có làn sóng bán tháo nhấn chìm giá vàng xuống sâu hơn nữa.
Với mức giá này, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch khá cao, khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Thậm chí, trong cuối tuần qua, giá vàng trong nước có thời điểm vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới 3 -4 triệu. Các DN cũng hạn chế mua bán để cố giữ giá, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Tỷ giá liên ngân hàng hôm nay ở mức 20.628 đồng/USD. Tỷ giá thương mại vẫn là 20.830 – 20.834 đồng/USD. Giá USD ở thị trường tự do giá USD tiếp tục tăng mạnh ở mức 21.220 – 21.300 đồng USD. Cao hơn giá trong ngân hàng khoảng 500 đồng/USD.
Như vậy, chỉ từ cuối tuần qua đến nay, USD đã tăng đến gần 300 đồng. Đây được cho là một điều dễ hiểu khi USD tăng theo chu kỳ cuối năm. Hơn nữa, những tác động của nhu cầu USD tăng, sự suy giảm của dữ trữ ngoại hối và cả sự lên giá của đồng USD trên thế giới đã làm USD tăng giá. Thực tế này đã gây ra lo ngại về chu kỳ tăng giá của USD cuối năm.
PV