- Sáng 23/6 (mồng 5 tháng 5 âm lịch) chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) rộn rịp hơn ngày thường. Ngoài những mặt hàng thường thấy hàng ngày, hôm nay xuất hiện nhiều người bán bánh tro, lá cây và cơm rượu – những mặt hàng không thể thiếu vào ngày tết Đoan ngọ.
Ế ẩm khắp các chợ
Trên các con đường chung quanh chợ như Bà Lê Chân, Hai Bà Trưng, Nguyễn Hữu Cầu, người bán bày hàng ra tận lòng đường mời chào khách. Thế nhưng...người mua vẫn hững hờ với người bán.
Dưới lòng đường Bà
Lê Chân, anh Tư Sung chỉnh lại chiếc xe gắn máy, phía sau là giỏ bánh tro đầy
ắp, cho biết: “Tôi đi từ Đức Hòa lúc 3g sáng. Đứng ở đây đã lâu nhưng chỉ mới
bán được vài chục bánh. Mồng 5 tháng 5 năm nay ế quá anh ơi...”.
Cơm rượu, bánh tro và
lá chờ khách
Nhiều người bày bán lá, bó thành từng bó, bên trong kẹp một khúc xương rồng ngồi ngóng khách. Những hộp cơm rượu xếp ngay ngắn thành từng chồng vẫn còn cao ngất.
Trên đường Nguyễn Hữu Cầu, một bà cụ ngồi bó gối, gục đầu bên những giỏ bánh tro còn đầy ắp. Một cô gái trạc tuổi đôi mươi đứng gần đó nói: “Nội cháu đó. Nội thức cả đêm nay giờ mệt quá, chợp mắt một chút.”
Nhiều bạn hàng gần đó cho biết, năm nào cũng thế, cứ đến ngày mồng 5 tháng 5, hai bà cháu đều đến chỗ này bày bán bánh. Những năm trước vào giờ này lượng bánh bán được phải hơn một nửa. Năm này, những giỏ bánh của cụ chưa vơi được bao nhiêu.
Tiếng động mạnh do cửa mở làm cụ choàng tỉnh. Cụ đưa mắt nhìn vào đống bánh buồn bã nói: “Năm nay buôn bán chậm quá. Mấy bà cháu chuẩn bị từ cả tháng nay. Nào mua nếp, nào tìm tro, cắt lá. Ngâm nếp trước hai hôm rồi cả mấy bà cháu cùng gói và nấu để đến khuya mồng 5 thì vớt bánh. 3 giờ sáng đã có mặt tại đây nhưng đến giờ chưa bán được bao nhiêu. Buồn quá chú ơi !!!”.
Giấc ngủ muộn màng
của cụ bà
Rời chợ Tân Định, chúng tôi đến chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10). Người bán hàng phục vụ tết Đoan ngọ đứng giữa đường mời chào khách. Những bó lá, xâu bánh trông rất hấp dẫn nhưng rất ít người đón nhận.
Chị Hương bán cơm rượu than thở: “Đầu tháng 5 âm lịch cả nhà xắn tay vào làm cơm rượu. Vo nếp, nấu thành xôi rồi ủ với men trong mấy ngày mới đem ra bán. Hi vọng kỳ này toàn bộ số lãi sẽ đủ trang trải cho cô con gái lớn vào đại học. Thế nhưng ế như thế này liệu có đạt được ước muốn không ?”.
Dường như sức mua ở các chợ đều chậm. Ở chợ Thiếc (Q.11) cũng không khá hơn. Dọc theo đường Trần Quí, bánh tro, lá, cơm rượu bày đầy đường nhưng đến 9 giờ, khi chúng tôi ghé qua nhiều quầy hàng vẫn còn đầy ắp.
Giỗ Quốc mẫu Âu Cơ
Chúng tôi ghé nhà anh Bình trong con hẻm trên đường Xóm Chiếu (Q.4). Trời đã vào trưa. Ngay phòng khách, trên bàn thờ gia tiên được dọn sạch sẽ đã bày biện nhiều lễ vật. Một đĩa trái cây, một ít bánh tro. Ngoài cửa ra vào treo lủng lẳng bó lá còn tươi rói.
Đứng giữa đường mời khách
mua lá
“Chuẩn bị trước để đến đúng ngọ là lên đèn” - anh Bình nói. Theo anh, tết Đoan ngọ là một tập tục lâu đời của người Việt Nam. Với người Việt mình thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ bởi trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Tháng năm ngày tết Đoan Dương/Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.
Với người Hoa thì ngày này là để tưởng niệm Khuất Nguyên, một ông quan của nước Sở vào thời Xuân thu. Ông có tài và liêm chính nhưng không được tin dùng. Để bày tỏ nỗi oán than, ông viết bài thơ Ly Tao còn truyền tụng đến ngày nay. Sau đó, ông nhảy xuống sông Mịch La trầm mình vào đúng ngày mồng 5 tháng 5.
“Mặc dù có khó khăn nhưng nhà tôi năm nào cũng cúng ngày mùng năm. Khá thì cúng lớn, khó khăn thì làm ít lại. Quan trọng là ở tấm lòng hướng về quốc mẫu” – anh Bình nói.
Trần Chánh Nghĩa