Làng nghề tạm nghỉ
Thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là làng nghề kim hoàn truyền thống nổi tiếng miền Bắc. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, sau khi có dự thảo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và giá vàng tăng vọt gần đây thì việc chế tác vàng bạc ở làng nghề này đang trở nên bế tắc.
rước đây, khi giá vàng chưa leo thang thì chế tác và kinh doanh vàng là công việc chính mang lại lợi nhuận cao cho xưởng chế tác vàng của gia đình anh Vũ Đình Thư. Nhưng vào thời điểm này, không riêng gì gia đình anh mà hầu hết cả làng Châu Khê phải chuyển qua chế tác bạc.
Anh Thư cho biết, giá vàng mỗi ngày một tăng cao, và đặc biệt từ ngày 1/5, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không được thực hiện việc cho vay vàng kể cả đối với nhu cầu chế tác nữ trang. Điều này thật sự khó khăn đối với các xưởng chế tác kim hoàn hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thơm, chủ cơ sở chế tác kim hoàn tại thôn Châu Khê, nói rằng: "Là cơ sở sản xuất truyền thống nên tôi có giấy phép kinh doanh do UBND xã cấp. Cầm giấy này chủ yếu là để vay vốn ngân hàng dễ hơn chứ cũng chẳng có tác dụng gì".
Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam, nhận xét: "Theo quy định, nếu các cơ sở ở các làng nghề muốn sản xuất, chế tác vàng phải xin giấy phép của ngân hàng thì mới được phép sản xuất các mặt hàng trang sức. Việc này cần xem lại vì ngân hàng là vay, cho vay và những chính sách vĩ mô về tiền tệ thì chỉ có vàng miếng, còn mặt hàng trang sức ngân hàng sẽ không đủ sức để quản lý. Nếu quy định này được thực hiện thì tôi e rằng không sớm thì muộn các làng nghề sẽ chết".
Anh Hà Hữu Lợi, thợ kim hoàn làm việc tại cửa hàng vàng bạc đá quý trên phố Phùng Hưng, Hà Nội, chia sẻ, từ lúc vàng "lên cơn điên" tăng giảm thất thường từ hơn hai 35 triệu đồng/lượng đến khi lập đỉnh trên 46 triệu đồng/lượng, anh đã phải "nhảy việc" hai lần. Việc làm ít và không đều, thu nhập giảm hẳn.
DN khốn đốn
Giá vàng tăng cao, người dân chuyển sang mua trang sức là vàng trắng, vàng tây (ảnh Phạm Hải) |
Theo ông Dũng, sức mua nữ trang trong bảy tháng đầu năm nay chỉ bằng 40% so cùng kỳ năm trước, do giá vàng tăng liên tục. Trong số 2.000 DN hội viên của Hội, có trên 100 DN đã giải thể và vài trăm DN ngưng hoạt động nhưng chưa thanh toán được nợ nần nên chưa đủ thủ tục để giải thể. Cả ngàn thợ kim hoàn phải bỏ nghề hoặc kiếm nghề khác.
Có mặt tại phòng chế tác, gia công vàng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, 29 Trần Nhân Tông, Hà Nội, sẽ thấy cảnh thợ kim hoàn vừa làm vừa chơi, vừa làm vừa nghỉ. Một thợ tại đây tâm sự, giá vàng điên loạn 2 tuần qua nên hầu như chỉ thấy người đến mua vàng cây, vàng miếng để tích trữ, còn người mua trang sức cưới và các loại trang sức thường bằng vàng trắng, vàng Tây.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng vàng bạc đá quý Lương Thanh tại 28 Hàng Bạc, Hà Nội băn khoăn, người dân lúc này đa phần đang có tâm lý thăm dò giá vàng, không tha thiết chuyện mua bán, sửa chữa, còn những người có nhiều tiền lại đổ xô đi "ôm" vàng miếng, những tiệm nhỏ chủ yếu gia công, sửa chữa đồ nữ trang cũ, hỏng.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 111 của Bộ Tài chính, các sản phẩm bằng vàng, vàng trang sức hoặc kim loại dát vàng, bạc, kim loại quý, có hàm lượng từ 80% trở lên phải chịu thuế suất xuất khẩu 10%, thay cho mức 0% hiện nay. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, việc áp thuế này sẽ khiến nguồn doanh thu từ nữ trang sẽ sụt giảm đáng kể.
Theo bà Cúc, Việt Nam còn thua xa Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia về sản xuất nữ trang công nghiệp (chất lượng, mẫu mã, màu sắc), nên Việt Nam chỉ xuất được vàng nữ trang chế tác thủ công có hàm lượng 95-97%. Khi các công ty xuất khẩu nữ trang không xuất được vì lỗ, thì nhiều DN và nghệ nhân chuyên gia công chế tác nữ trang sẽ gặp khó khăn.
Hồng Lê