Giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đồng loạt lao dốc trong hai ngày đầu tuần. Nhưng tại thị trường VN, giá xăng dầu vẫn bình chân như vại và giá vàng vẫn “neo” ở mức cao.
Các tin liên quan |
Giá hàng hóa thế giới lao dốc
Trong phiên giao dịch ngày 16-4, giá dầu sụt giảm mạnh trong khi giá vàng chạm mức thấp nhất trong hai năm qua. Ngoài ra, hàng loạt hàng hóa khác như bạc, đồng và nông sản (bông, cà phê, đường...) cũng rớt giá mạnh. Theo Hãng tin Reuters, từ thứ sáu 12-4 đến thứ tư 16-4 (hai ngày cuối tuần thị trường ngừng giao dịch), giá vàng sụt tới 14%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-1980.
Các nhà phân tích cho biết giá vàng giảm mạnh khi có tin Cyprus sẽ bán vàng để huy động vốn và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm các nỗ lực kích thích kinh tế. Do đó, khả năng lạm phát gia tăng là không cao. Các nhà đầu tư từng mua ồ ạt vàng để phòng ngừa nguy cơ giá cả tăng cao giờ buộc phải xả hàng. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, giá vàng đã giảm 18% sau 12 năm tăng liên tục và chạm đỉnh 1.900 USD/ounce hồi tháng 9-2011.
Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ sụt 1,3% còn 87,6 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu hạ xuống 86,6 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng bốn tháng qua. Lần đầu tiên trong chín tháng qua, dầu Brent biển Bắc cũng giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 16-4, giá dầu Brent hạ 1%, còn 99,58 USD/thùng.
Rồi với việc mua thấp bán cao như thời gian vừa qua, doanh nghiệp chưa thấy được quyết tâm bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước... |
Giá dầu bắt đầu giảm mạnh khi hôm 15-4 Chính phủ Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hạ nhiệt trong quý 1-2013. Sau đó, đến lượt Chính phủ Mỹ công bố các số liệu sản xuất gây thất vọng. Ngoài ra, tình hình kinh tế Đức, cột trụ chống đỡ nền kinh tế châu Âu, cũng có dấu hiệu ảm đạm.
Reuters dẫn lời chuyên gia tài chính Naohiro Niimura thuộc Hãng tư vấn Market Risk Advisory ở Tokyo (Nhật) nhận định trong thời gian qua, giá cả các loại hàng hóa tăng vọt không phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, giờ các thị trường đang tự điều chỉnh lại theo hướng hợp lý hơn. “Đối với các nhà đầu tư, đây là lúc kiếm lời từ những đợt tăng giá trước và ôm tiền mặt” - chuyên gia Niimura nhận định.
Gom USD để nhập lậu vàng?Sáng 16-4 giá vàng quay đầu giảm gần 2 triệu đồng/lượng, xuống mức 39,5 triệu đồng/lượng nhưng chỉ vài giờ sau đó lại quay về mức 41 triệu đồng/lượng. Rất nhiều người đã tranh thủ mua vàng vào buổi sáng, khi giá vàng giảm xuống dưới 40 triệu đồng/lượng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, nhiều người xếp hàng chờ đến lượt mua vàng khi giá vàng giảm xuống vùng giá thấp nhất trong gần hai năm qua.
Bà Thái (Q.3, TP.HCM) cho biết đã rút sổ tiết kiệm hơn 100 triệu đồng để chuyển sang vàng. “Lãi suất giờ không hấp dẫn nữa, tôi chuyển sang mua vàng để hưởng chênh lệch giá” - bà nói. Tại một số cửa hàng của Công ty PNJ cũng liên tục có khách vào ra, phần lớn số lượng mua nhỏ lẻ, từ vài chỉ đến vài lượng. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc kinh doanh PNJ, cho biết giao dịch sôi động hơn hẳn những ngày trước, khối lượng vàng bán ra lên đến hơn 2.000 lượng.Cũng trong ngày 16-4, giá USD bán ra tại các ngân hàng đã lên mức 20.950 đồng/USD, tăng 70 đồng/USD so với cuối tuần trước. Còn tại thị trường tự do, giá USD đã cán mốc 21.100 đồng/USD. Theo các chuyên gia, giá USD tăng là tín hiệu cho thấy giới kinh doanh đang gom USD để nhập lậu vàng, với hi vọng kiếm siêu lợi nhuận do chênh lệch lớn giữa vàng trong nước và thế giới.
Trao đổi với PV, nhiều ngân hàng cho biết lẽ ra cú giảm mạnh của giá vàng thế giới ngày 16-4 là cơ hội để các ngân hàng tất toán dư nợ vàng. Tuy nhiên điều này không thể thực hiện được do giá vàng trong nước cách biệt quá lớn so với giá vàng thế giới khiến người vay chần chừ. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết còn dư nợ vàng khoảng 3.000 lượng, tương đương 120 tỉ đồng nhưng không thể thuyết phục được khách hàng trả nợ.
Ngày 17-4: tiếp tục đấu giá 40.000 lượng vàng Sáng 16-4, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thêm 1 tấn vàng, với giá khởi điểm 38,67 triệu đồng/lượng. Có 21 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu nhưng chỉ 19 đơn vị quyết định bỏ thầu. Trong đó 11 đơn vị đã trúng thầu với giá thấp nhất cao hơn 30.000 đồng/lượng so với mức sàn. Giá trúng thầu cao nhất là 38,92 triệu đồng/lượng. Trong ngày 17-4 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu giá 40.000 lượng vàng, giá khởi điểm để đặt cọc là 40,2 triệu đồng/lượng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng nguồn vốn vàng của tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến đầu tháng 4 là hơn 1,6 triệu lượng, tương đương 61,3 tấn, trong đó nguồn tiền gửi bằng vàng của khách hàng là 664.776 lượng (25 tấn), vàng giữ hộ 657.517 lượng (24,7 tấn), nguồn vốn bằng vàng khác là 307.638 lượng. |
(Theo Tuổi Trẻ)