Xem Video:
Trong ba ngày 18,19,20/12, “Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội” diễn ra tại khu vực công viên Nhà Bát Giác với nhiều hoạt động hấp dẫn. Nổi bật là hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa du lịch, sản phẩm OCOP.
Hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa du lịch, sản phẩm OCOP |
'Vàng xanh', thịt trâu gác bếp Lai Châu
Khách tham quan trực tiếp tham gia mua sắm, trải nghiệm các sản vật nổi tiếng của Lai Châu như: Trà, gạo nếp nương, thịt gác bếp, đông trùng hạ thảo..., chả cá lăng nuôi từ dòng suối trong vắt trên núi đá.
Trong đó, trà xanh trồng ở huyện Tam Đường được nhiều người tìm đến thưởng thức. Sản phẩm này được ví như “vàng xanh” của vùng Tây Bắc. Chè sạch Tam Đường không chỉ thơm ngon nức tiếng bởi hương thơm nồng nàn, vị ngọt hậu, nước xanh, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các sản vật Lai Châu hút khách. |
Huyện Tam Đường có hơn 1.500 ha trồng cây lâu năm. Ngoài chất đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng, nơi đây có biên độ khí hậu chênh lệch giữa ngày và đêm lớn.
Khí hậu thuận lợi để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc. Cây chè đã giúp bà con đồng bào dân tộc ở Tam Đường từng bước thoát nghèo.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm chè của một doanh nghiệp địa phương. |
Một sản vật nổi tiếng của Lai Châu là thịt trâu gác bếp. Lương Thị Thúy (26 tuổi - dân tộc Giáy) thông tin: “Tôi tham gia “Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội” với mong muốn được giới thiệu vẻ đẹp và đặc sản của quê hương tôi”.
Gian hàng của Thúy bày bán thịt trâu khô gác bếp, hạt mắc khén, chẩm chéo.
Thúy chia sẻ, thịt trâu gác bếp dễ làm nhưng muốn ngon và đượm vị, đòi hỏi phải cầu kỳ. Thịt trâu gác bếp ngon đòi hỏi khắt khe từ khâu chọn nguyên liệu, phải là thịt trâu tươi.
Lương Thị Thúy bên gian hàng thịt trâu gác bếp. |
Thịt trâu tươi Thúy mua từ khu chợ phiên vùng cao chuyên bán thịt trâu. Khi mang về, thịt được rửa qua rồi lọc theo từng thớ. Miếng thịt đảm bảo không dày quá, không mỏng quá.
Cô ướp với rượu 20 phút. Sau 20 phút cô cho hạt mắc khén, muối tinh, hạt dổi, ớt cay Mường Khương, thảo quả, hạt điều vào ướp theo tỉ lệ nhất định. Mùa hè thịt ướp 1,5 tiếng, mùa đông thịt ướp hơn 2 tiếng để đảm bảo gia vị ngấm đều. Mỗi lần cô làm khoảng 20kg thịt”, Thúy nói.
Sau khi ướp xong, Thúy dùng xiên sắt, treo thịt lên. "Ngày xưa mọi người dùng cây sả treo thịt nhưng sả nhanh mủn, gãy, rụng nên giờ chủ yếu dùng xiên sắt", Thúy nói.
Trước đây, mẹ và dì của Thúy làm theo phương pháp truyền thống, thịt treo trên gác bếp, hun bằng khói củi nửa tháng mới khô. Như vậy thịt hay hỏng, ám mùi hôi.
Tuy nhiên, Thúy cải tiến cách làm, dùng lò sấy, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Thịt có độ săn nhưng không khô cứng.
Đặc biệt, cô dùng củi từ một số loại cây để đốt hun thịt. Trong đó có loại cây rừng thuộc diện “bí mật” nghề nghiệp, cô không tiết lộ hết.
Khói từ các loại cây này tạo cho thịt có mùi thơm đặc trưng, hòa quyện cùng vị ngọt của thịt và thơm nồng của dổi, mắc khén. Tất cả tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Sau khi ra lò, thịt tiếp tục mang hong nắng vài ngày và ép chân không bảo quản. Thịt có thể để ngoài 15 ngày, cất tủ lạnh giữ được 6 tháng.
Ngoài ra, Thúy chia sẻ, thịt trâu gác bếp tròn vị nhất là khi dùng với chẩm chéo. Mọi người có thể ăn trực tiếp hoặc làm nộm, chế biến một số món ăn khác, ăn kèm xôi.
“Ở Lào Cai và một số vùng đều có món thịt trâu khô nhưng cách làm khác nhau, cách sấy khác nhau. Ví dụ, ở Lai Châu mát mẻ, thịt ướp 2 tiếng nhưng ở Sapa lạnh hơn, thịt có thể được ướp tới 4 tiếng mới ngấm gia vị”, Thúy nói thêm.
“Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội” nhằm mục đích kích cầu du lịch, giới thiệu và quảng bá các sản vật địa phương. |
Triển lãm tranh ảnh về Lai Châu
Du khách chăm chú xem bức ảnh ruộng bậc thang. |
Bên cạnh hội chợ, ban tổ chức còn trưng bày triển lãm ảnh đẹp về miền đất, con người Lai Châu.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một thông điệp truyền tải văn hóa đặc sắc của Lai Châu đến người xem.
Hai người phụ nữ dân tộc thiểu số trong hội chợ. |
“Con người Lai Châu thân thiện, sản vật phong phú, cảnh đẹp hữu tình” - đó là nhận xét của ông Trương Đình (50 tuổi, Hà Nội). “Tôi là người yêu nhiếp ảnh, tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh nghiệp dư nhiều năm nay. Câu lạc bộ cũng nhiều lần tổ chức đi sáng tác ở Tây Bắc. Tôi nghĩ ngoài ẩm thực, trang phục và kiến trúc, đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu có nhiều nếp văn hóa, phong tục tập quán cần được bảo tồn”.
Triển lãm ảnh về con người và mảnh đất Lai Châu. |
Họa sĩ Nguyên Hùng - hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: “Hôm qua tôi đã đến xem buổi khai mạc. Lần đầu tiên tôi thấy sắc màu của dân tộc miền núi rực rỡ đến thế”.
Ông Hùng đã nhiều lần lên Lai Châu, Điện Biên… nhưng chưa có cơ hội trải nghiệm, cảm nhận hết đặc trưng về con người và sản vật nơi đây.
Không gian của triển lãm ảnh trong “Tuần văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” đã mang đến cho ông nhiều cảm xúc mới. "Nhiều tác phẩm đẹp, miêu tả sinh động cuộc sống của bà con dân tộc. Tôi chụp lại những bức ảnh này mục đích để nghiên cứu về các trang phục của dân tộc ở Lai Châu”, ông Hùng nói.
Ông Hùng đến sự kiện với mong muốn nghiên cứu về trang phục các dân tộc ở đây. |
Chuyển đổi số du lịch “check in” đánh thức báu vật của Lai Châu
Sìn Hồ được xem là báu vật của Lai Châu. Nơi đây chưa được đầu tư khai thác du lịch nên gần như giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ.
Thái Minh
Clip: Đức Yên, Phạm Hương