- Những người ra nước ngoài lần đầu đều thấy nhiều thứ khiến mình tự hỏi vì sao Tây lại làm được như thế.
Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Vương với diễn đàn "Xem Tây ngẫm ta".
Nhà ăn công ty quá sạch
Ở Pháp, chúng tôi được làm việc với một công ty tương đối lớn. Người Pháp chỉ làm việc có 7 tiếng mỗi ngày nhưng dường như rất hiệu quả.
Một ngày làm việc bắt đầu từ 9h sáng, nhưng thông thường mọi người thường tới sớm một chút, lấy cà phê từ máy pha tự động rồi ngồi ở sảnh nói chuyện, ai có nhu cầu hút thuốc thì đẩy cửa ra phía ngoài trời, ở đó có khu hút thuốc riêng, tuyệt đối không hút thuốc trong phòng.
Sảnh uống nước ở một công sở |
Hôm đầu tiên, bước vào nhà ăn đã thấy choáng váng vì quá sạch và quá nhiều đồ ăn. Nhà ăn chỉ có chừng 5 nhân viên nhưng phục vụ tới vài trăm người với cả trăm món ăn. Mọi người sẽ tự lấy đồ ăn cho mình, với các món còn đang nóng ở ngay trên bếp thì sẽ có nhân viên lấy giúp.
Vì người Việt quen khi ăn phải có canh nên khi không có thì bắt đầu thèm nước, thế là chúng tôi đi tìm. Tìm mãi không thấy bình nước nào nên tôi hỏi mấy người Pháp cùng bàn.
Họ vừa cười vừa bảo: “Chúng tôi không để nước ở bình, bạn hãy ra cái vòi nước ở kia để lấy”. Tôi giật mình hỏi lại: “Nhưng nước đó là nước sinh hoạt mà, ít ra thì cũng phải đun sôi hoặc lọc qua chứ”.
Mọi người lại cười và nói: “Bạn có thể uống luôn vì nước ở đây rất sạch”.
Sau này, khi lên Paris tôi mới thấy, ở Paris cũng có rất nhiều vòi nước công cộng cho khách du lịch, mà tất nhiên nước ở đấy cũng không phải đun sôi bao giờ. Nước ở nhà vệ sinh thế nào thì nước uống cũng thế, không có gì khác.
Ăn xong, mỗi người tự mang khay của mình đặt vào một băng chuyền để đem đi rửa. Ở đó có những thùng rác mà mỗi người phải tự phân loại trước khi vứt. Thùng vàng là để chứa hộp nhựa, lon kim loại và giấy, còn thùng xanh là để chứa những chai lọ thuỷ tinh.
Băng chuyền và thùng phân loại rác ở căng tin |
Buổi trưa, mọi người không ngủ, ai nấy vào sảnh đọc sách báo hoặc uống cà phê, nói chuyện một lát rồi làm việc.
Do vẫn quen ngủ trưa kiểu Việt Nam nên khi mới sinh hoạt theo kiểu Pháp, đầu giờ chiều hôm nào chúng tôi cũng thấy “đơ đơ”.
Tiệc tinh tế
Vì là khách nên chúng tôi được họ mời một bữa tiệc. Ăn tiệc ở Pháp khá cầu kỳ, mỗi người có tới 4 chiếc ly để uống rượu và 4 chiếc đĩa, 3 bộ dao dĩa và 1 chiếc thìa cho 4 món ăn.
Đầu tiên thì khách sẽ được ưu tiên chọn một chai vang để uống cùng với bánh ngọt, mọi người vừa uống vừa nói chuyện. Sau đó, khi ngồi vào bàn từng món sẽ được bưng ra.
Một bữa tiệc kiểu Pháp cho 10 người |
Những người bạn Pháp nói rằng: “Chúng tôi sẽ chiêu đãi các bạn món cá tươi, ở đây cá tươi là đặc sản”. Hai món cá lần lượt được bưng ra, nóng hổi, ngon lành.
Cá thì phải uống với vang trắng nên hai chai vang lại tiếp tục được mở, mỗi loại rượu đều phải uống với mỗi chiếc ly khác nhau. Tiếp theo là một món phô mai mà được giới thiệu rằng trước đây “chỉ dành cho hoàng đế”. Và cuối cùng là một món tráng miệng.
Ấn tượng về bữa tiệc là quá cầu kỳ và tinh tế, món nào trông cũng như một tác phẩm nghệ thuật tới mức không nỡ ăn.
Dao, dĩa và ly trong một bữa tiệc |
|
||||
|
Tập thể dục ở nghĩa trang
Một buổi chiều, tôi lang thang dạo phố, đi một hồi không hiểu sao lại thấy một nghĩa trang. Thoạt đầu, thấy cũng hơi lạ vì nghĩa trang gì mà lại nằm ngay trong thành phố, giữa khu dân cư đông đúc như thế.
Khi bước vào trong lại càng thấy lạ hơn, đường đi bên trong đâu ra đấy, cây cối được trồng thẳng tắp, cắt tỉa gọn gàng. Những ngôi mộ cũng được xây đều tăm tắp chứ không lộn xộn cái to cái bé như ở mình.
Hàng cây ở nghĩa trang Meséricorde, thành phố Nantes |
Đi được một lúc thì thấy có người đạp xe vào, lúc sau lại thấy mấy người đi bộ nữa. Lúc đầu, cứ tưởng người ta đi thăm mộ, hoá ra là người ta vào nghĩa trang tập thể dục.
Những ngôi mộ ở Pháp |
Tôi cảm thấy giật mình với nghĩa trang của Pháp, nhưng không phải giật mình vì sợ ma mà vì sự gọn gàng, khả năng quy hoạch của họ.
Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải. |
Nguyễn Vương (Hà Nội)