Một này trung bình mỗi đầu mối thu mua nhập vào số lượng đỉa lên tới 30 kg và người bán cũng có mức thu nhập rất cao.

Nghề "dị" thu nhập cao

Thủ vai lái buôn thu mua đỉa số lượng lớn, phóng viên VTC News đã tìm về thôn Đông Hội, xã Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nhằm tìm hiểu thực trạng mua bán đang diễn ra tại đây. Theo những người đi bắt đỉa phản ánh, đây là một trong những địa điểm thu mua lớn của khu vực miền Bắc.

Khi đặt vấn đề tìm đầu mối thu mua đỉa với một người dân địa phương ở thôn Đông Hội, được biết mọi hôm việc mua bán diễn ra công khai từ tầm 2 giờ chiều cho tới 7 giờ tối. Nhưng do báo chí phản ánh nhiều về tình trạng này nên 2-3 ngày trở lại đây đã bớt tấp nập hơn trước.

Thực tế, người dân tại đây đã rất cảnh giác với người lạ, thường lảng tránh những câu hỏi liên quan đến vấn đề mua bán đỉa, thậm chí nhiều người còn cho biết chưa bao giờ diễn ra tình trạng này ở thôn mình.
{keywords}

Khá khó khăn, phóng viên mới tiếp cận được với anh Thắng, một trong những đầu mối thu mua đỉa chính tại thôn Đông Hội.

Anh Thắng cho biết việc mua bán đỉa tại thôn mình đã diễn ra từ năm ngoái, sau khi ngừng một thời gian, tới tháng 5 vừa qua đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Được biết, người bán đỉa cho anh không chỉ là người dân ở địa phương mà còn có người đến từ Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn và nhiều tỉnh miền Bắc cũng mang tới đổ hàng tại đây.

Trung bình tại mối của anh Thắng, mỗi ngày có trên dưới 60 người đến bán với số thu mua được tầm 30 kg, hôm ít cũng được khoảng 10 kg. Về giá cả thì khá thất thường, hôm lên hôm xuống, từ 650.000 - 700.000 đồng/kg.

Tuy nhiên anh Thắng cho biết, số lượng đỉa hiện nay cũng đang khan hiếm dần, vào thời điểm này năm ngoái, có ngày anh nhập vào tận gần 100 kg.

Anh Thắng kể thêm, chỉ riêng trong thôn Đông Hội này đã có tới 3-4 xóm người dân chỉ tập trung đi bắt đỉa về bán. Không những thế, số lượng người từ tỉnh khác tới giao hàng cũng nhiều nên việc thu mua đỉa số lượng lớn là tương đối dễ dàng.

Trung bình mỗi ngày, một người thường bắt được từ 5-7 lạng, người nhiều thì được trên 1 kg. Anh Thắng kể: Cá biệt, cách đây vài hôm có cặp vợ chồng bán được tới 3,7 kg, với giá thu mua hôm đó là 720.000 đồng/kg, 2 vợ chồng này bỏ túi tận 2,7 triệu đồng.

Lần hỏi về việc sau khi nhập đỉa, số hàng này sẽ được đẩy đi đâu, anh Thắng cho biết sẽ chuyển cho đầu mối lấy buôn số lượng lớn, còn sau đó họ đưa đến đâu thì không được biết.

Thông thường, các chủ buôn lớn sẽ chỉ gặp anh Thắng vào lần đầu tiên giao dịch, từ những lần sau họ sẽ không xuất hiện mà chỉ cho cửu vạn đến lấy hàng. Với mỗi kg đỉa, những đầu mối thu mua nhỏ như của anh Thắng thường được hưởng chênh lệch 50.000 - 60.000 đồng/kg

Theo anh Thắng, cách thức làm ăn của những đầu mối lớn cũng khá sòng phẳng, nếu hôm nay muốn lấy 20 kg, họ sẽ giao trước một nửa số tiền, anh Thắng tự bỏ ra một nửa còn lại, sau khi giao đủ hàng ngay trong ngày bên buôn sẽ trả nốt số tiền mà đầu mối thu mua ứng trước.

Cũng theo anh Thắng, các dân buôn lớn dạng này thường đến từ Nghệ An, Thanh Hóa ... mặc dù không biết họ sẽ đổ hàng đi đâu và sử dụng vào mục đích gì nhưng anh Thắng khẳng định chắc chắn số đỉa trên sẽ được đưa sang Trung Quốc.

Khi đặt ra câu hỏi tại sao có nhiều người trong thôn Đông Hội cũng như từ các tỉnh khác sẵn sàng bỏ ruộng đồng để quay sang săn bắt đỉa, anh Thắng cho biết lý do duy nhất là nằm ở tiền.

Trung bình với việc đi tìm đỉa, mỗi người thu về được khoảng 350.000 đồng/ngày, con số này tương đương với số tiền kiếm ra từ trồng lúa trong cả tháng. Vì thế, việc nhiều gia đình bỏ hoang đồng ruộng, kéo cả nhà đi tìm đỉa cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, có những người ở thôn Đông Hội còn lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn để tìm đỉa về bán, anh Thắng giải thích.

Mua công khai, bán lén lút

Cùng đứng thu mua đỉa công khai trước cửa nhà anh Thắng nhưng hầu hết những người đi bắt về khi thấy người lạ (phóng viên VTC News) đều tỏ ra nghi ngờ, không ghé vào bán.

Anh Thắng cho biết, do gần đây báo chí đưa tin nhiều, chính quyền xã lại đang vận động ngừng việc bắt và buôn bán đỉa, vì vậy những người bắt đỉa sẽ rất cẩn thận, nếu thấy không an toàn sẽ không giao dịch.

Chỉ trong quãng thời gian từ 4 giờ tới 6 giờ chiều, có tới xấp xỉ 20 người bán đỉa đi qua nhưng nhận thấy người lạ liền lập tức phóng thẳng, mặc cho người mua gọi lại.

Trong cả buổi chiều ngày hôm đó, chỉ có 2 người ghé vào bán, điều này trái ngược hoàn toàn với những ngày trước đây khi có những hôm phải từ chối mua thêm, anh Thắng cho biết.

{keywords}

Theo quan sát, những người bắt đỉa thường giấu "hàng" trong cốp xe, chỉ khi nhận thấy việc mua bán có thể diễn ra thuận lợi mới lấy ra. Đỉa được để trong những chiếc túi có thể thoát khí như tất hay túi lưới ... nhằm đề phòng trường hợp sinh vật này có thể bị chết trên đường vận chuyển.

Sau khi nhận đỉa từ người bán, anh Thắng bắt tay ngay vào giai đoạn sàng lọc "hàng". Việc đầu tiên cần làm là lau khô chỗ đỉa, bởi loài sinh vật này tiết chất dịch khá nhiều, nếu kg lên sẽ dễ bị "lỗ", anh Thắng giải thích.

Không phải bất cứ đỉa loại nào cũng được mua, đầu mối chỉ chọn những con có kích thước trung bình trở lên, nhỏ hơn hoặc đã chết đều bị trả lại cho người bán. Tất cả các công đoạn mua bán này đều được thực hiện bằng tay trần trong khi lũ đỉa lúc nhúc bò xung quanh.

Quá trình thu mua này cũng diễn ra khá nhanh, chỉ trong vòng 3-4 phút, tiền đã được giao dịch sòng phẳng với người bán. Số đỉa vừa được mua sẽ được đầu mối gom vào một chiếc túi lớn, đợi đến cuối ngày sẽ có người của các chủ mua lớn đến lấy.

Trong suốt cuộc giao dịch, người bán thường né tránh các câu hỏi về quá trình săn bắt đỉa của mình. Nhằm đề phòng người lạ, việc mua bán này cũng được trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Sán Dìu, thứ tiếng dân tộc phổ biến tại vùng này.

(Theo VTC)